Sự việc nhà máy luyện chì và khai thác, chế biến đá thạch anh của Công ty TNHH Anh Vũ thôn Bằng Lãng (xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn), UBND tỉnh Bắc Kạn đang giao các cơ quan chức năng xem xét. Đáng nói, chủ nhà máy này văng tục với phóng viên, dọa chém người dân tố cáo nhưng Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn vẫn "im lặng".
Liên quan đến sự việc hàng chục hộ dân sinh sống cạnh nhà máy luyện chì và khai thác, chế biến đá thạch anh (nhà máy luyện chì) ở thôn Bằng Lãng (xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) đang ngày đêm bất an vì nguồn nước, môi trường có nguy cơ bị ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe và những phát ngôn văng tục với phóng viên, dọa chém người dân của chủ nhà máy này, ngày 17/10/2024, trao đổi nhanh với PV, ông Vũ Đức Chính - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, những nội dung liên quan đến Công ty TNHH Anh Vũ, tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị xem xét.
"Về phát ngôn của phía công ty, chúng tôi sẽ giao cho cơ quan chức năng đi kiểm tra xem thực hư như thế nào? Phát ngôn đấy có chuẩn mực hay không? Để các cơ quan được giao nhiệm vụ, phụ trách lĩnh vực có trách nhiệm kiểm tra lại nội dung báo chí phản ánh" - Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết thêm.
Trước đó, trao đổi thông tin với PV, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Văn Minh cho biết, đơn vị xin tiếp thu ý kiến và sẽ tiến hành kiểm tra. Nội dung này, Gia đình và Xã hội đã thông tin ở bài viết trước đó.
Ngoài những thông tin trao đổi trước đó, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn cho biết thêm: "Mấy năm trước, Sở đã thu hồi 10ha thuộc diện tích trồng rừng trong khu đất của nhà máy. Vì trong mục tiêu của dự án được phép trồng rừng nhưng họ không đụng chạm gì nên đã thu hồi. Sau thu hồi, Sở đã giao cho huyện (Ngân Sơn) quản lý".
Để mở rộng thông tin, PV nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Trọng Lăng - Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn nhưng không được, nhắn tin cũng chưa thấy phản hồi.
Theo chia sẻ của các hộ dân với PV, kể từ khi cơ sở tái chế chì hoạt động trên địa bàn, hiện trạng đất đai, môi trường ở địa phương đã thay đổi. Đặc biệt, nguồn nước sinh hoạt bao nhiêu năm qua của các hộ dân sử dụng đã bị ảnh hưởng.
Ông T., nhà ngay dưới nhà máy chì Bằng Lãng cho biết: "Nguồn nước sạch mà các hộ dân chúng tôi sử dụng trước đó được dẫn về nằm trong khuôn viên nhà máy. Kể từ khi đơn vị đi vào hoạt động, nước có mùi nên chúng tôi không dám dùng. Sau đó, người dân trong thôn phải đi tìm nguồn nước mới ở đồi bên kia để dẫn nước về dùng. Tuy nhiên, nước khe suối ở đồi bên đối diện kéo về chỉ được vài tháng, đến mùa khô là cạn".
Ghi nhận bên trong nhà máy, đi theo đường đất được khoét ở cạnh các bìa rừng, chúng phát hiện nhiều loại chất thải rắn màu đen được đổ lộ thiên, chất đầy ở các bìa đồi. Việc đổ các chất thải rắn màu đen kịt lộ thiên tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc vào nguồn đất và nước, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Khu vực đổ thải và người đàn ông lạ mặt theo sát PV và người dân khi ghi nhận các địa điểm đổ thải.
Trong quá trình ghi nhận, PV phát hiện, hằng ngày, đơn vị này còn sử dụng xe tải chở đất được múc ở một ao nước dưới chân nhà máy lên đổ ở nhiều nơi. Việc đổ bùn thải trên đồi cao, bên dưới là đường giao thông và nhà dân tiềm ẩn nguy cơ gây sạt lở cao mỗi khi có mưa lớn. Trên thực tế, năm 2024, trên địa bàn huyện Ngân Sơn đã từng xảy ra sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Đáng chú ý, trong quá trình chúng tôi được người dân địa phương dẫn đến các địa điểm đổ thải để ghi nhận, thu thập thông tin, chỉ khoảng 30 phút sau, có một người đàn ông trung tuổi đội mũ cối, mặc áo đen (xưng là người của nhà máy) đi theo giám sát và hỏi mục đích đến làm gì. Người này thấy PV chụp ảnh là theo sát xuống đến gần nhà người dân mới dừng lại.
Trước đó, để trao đổi thông tin khách quan, đa chiều, vào giữa tháng 8/2024, PV đã liên hệ với đại diện doanh nghiệp để hỏi về các giấy tờ pháp lý, phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường... Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà chủ nhà máy lại văng lời tục tĩu, xưng hô không chuẩn mực với phóng viên và dọa chém người dân.