Vụ nữ sinh lớp 9 ở Lạng Sơn bị đánh hội đồng, xử lý nhóm bạn đánh như thế nào?

30/09/2023 10:38

Bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Việc học sinh sử dụng bạo lực để đe dọa, cảnh cáo và "trừng phạt" những người bạn học mà mình "không ưa" đang dần trở nên phổ biến ở nhiều trường học. Đây là hành động sai trái, đáng bị lên án, các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh tay.

Liên quan đến vụ nữ sinh lớp 9 học trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Yên Lỗ, Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn bị bạn học đánh "hội đồng" vào ngày 25/9, trao đổi với phóng viên Gia đình và Xã hội, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, học sinh là các đối tượng thuộc nhóm người chưa thành niên theo quy định tại Điều 21 Bộ luật dân sự năm 2015. Do đó, khi học sinh thực hiện hành vi vi phạm chưa đến mức bị xử lý hình sự theo quy định của BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì trách nhiệm xử lý, bồi thường, giáo dục trẻ được thực hiện bởi gia đình, nhà trường và cơ quan chức năng có thẩm quyền khác.

Theo quy định tại Điều 37, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học thì hành vi đánh nhau của học sinh là một trong những hành vi bị cấm.

Cũng theo Thông tư này, học sinh vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật tại trường với các hình thức như: nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vụ nữ sinh lớp 9 ở Lạng Sơn bị bạn học đánh hội đồng, xử lý nhóm bạn như thế nào? - Ảnh 2.

Nữ sinh lớp 9 ở Lạng Sơn bị nhóm bạn cùng lớp đánh hội đồng gây bức xúc dư luận.

Ngoài ra, các học sinh vi phạm có thể bị xử lý hành chính theo Điều 22, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 với hình thức cảnh cáo bằng văn bản. Nếu gia đình bị hại có cơ sở và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần, chi phí khám chữa bệnh,... thì người đại diện theo pháp luật của các học sinh thực hiện hành vi vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường.

Về hành vi nhóm học sinh chặn đường không cho em T (nữ sinh bị đánh) chạy thoát, cầu cứu? Luật sư Bình nêu quan điểm: “Trước hết hành vi đánh, chặn đường nhắc đến trong vụ việc là hành vi xâm phạm tới tính mạng và sức khoẻ của người khác. Thông thường, đối với những hành vi này, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác theo Điều 134, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tuy nhiên, học sinh lớp 9 đang là học sinh trong độ tuổi từ 14 tuổi đến 15 tuổi. Mà theo quy định tại khoản 2, Điều 12, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều như: 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”.

“Do đó, chỉ khi nào các bạn học sinh trong vụ việc nói trên phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của người khác theo Điều 134, về tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì mới bị xử lý hình sự. Trường hợp nếu trong nhóm học sinh đánh bạn nữ kia (nữ sinh bị đánh) có người đã đủ 16 tuổi thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm” - Luật sư Bình nhấn mạnh.

Vụ nữ sinh lớp 9 ở Lạng Sơn bị bạn học đánh hội đồng, xử lý nhóm bạn như thế nào? - Ảnh 3.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (đoàn Luật sư TP HCM), Để răn đe và ngăn chặn những vụ bạo lực học đường, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và xã hội...

Vị Luật sư này cho biết thêm, với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác tại Điều 134 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 người vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 14 năm. Ngoài ra, nếu chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm,...

Hiện nay, bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Việc học sinh sử dụng bạo lực để đe dọa, cảnh cáo và "trừng phạt" những người bạn học mà mình "không ưa" đang dần trở nên phổ biến ở rất nhiều trường học. Đây là hành động sai trái, đáng bị lên án bởi hành vi bạo lực không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, tâm sinh lí của nạn nhân mà còn làm mất đi hình ảnh trong sáng, tốt đẹp nên có ở mỗi học sinh.

“Để răn đe và ngăn chặn những vụ bạo lực học đường, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, nhà trường, gia đình và xã hội. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh và công khai những trường hợp vi phạm pháp luật, để tạo ra hiệu ứng răn đe.

Nhà trường cần tăng cường giáo dục pháp luật và đạo đức cho học sinh, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn và xung đột giữa các em. Gia đình cần quan tâm và giáo dục con cái về ý thức tự trọng, tôn trọng người khác và bản thân. Xã hội cần tạo ra một môi trường lành mạnh, không có bạo lực và áp lực cho các em học sinh” - Luật sư Bình nêu ý kiến.

Như Gia đình và Xã hội đã thông tin, khoảng 13h30 ngày 25/9, em L. T. T học sinh lớp 9 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Yên Lỗ, Yên Lỗ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn bị bạn học đánh "hội đồng". Nguyên nhân ban đầu là do mâu thuẫn cá nhân, nói xấu nhau trên mạng xã hội, nhóm nữ sinh lớp 9, gồm 9 người đã bắt em L. T. T (nữ sinh bị đánh) ngồi trên ghế rồi thi nhau quát mắng và dùng tay túm tóc, tát liên tiếp vào mặt, lưng.

Theo clip, trong quá trình đánh em T nhóm học sinh này liên tục nói những lời tục tĩu không chuẩn mực với học sinh. Đáng nói, dù nạn nhân đã khóc lóc, van xin nhưng vẫn bị nhóm bạn đánh "hội đồng", trong khi nhiều học sinh khác đứng ngoài cổ vũ, reo hò, quay clip. Sự việc chỉ dừng lại khi có thầy giáo xuất hiện và em T gọi thầy giáo cầu cứu,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vụ nữ sinh lớp 9 ở Lạng Sơn bị đánh hội đồng, xử lý nhóm bạn đánh như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO