PLBĐ - Vụ việc một Phó trưởng công an phường ở TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) có hành vi đánh người là phụ nữ đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cũng đã có những chia sẻ xung quanh vụ việc này.
Ngày 3/5, lãnh đạo Công an tỉnh Cao Bằng cho biết đã tạm đình chỉ Phó trưởng Công an phường Sông Bằng, TP Cao Bằng để xác minh, làm rõ thông tin xô xát với phụ nữ trong hiệu cắt tóc. Cơ quan công an khẳng định sẽ xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, không bao che cho sai phạm.
Trước đó, ngày 2/5, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip ghi lại hình ảnh 2 người đàn ông mặc thường phục cùng 2 người đàn ông mặc quần áo giống công an đi trên xe ô tô biển trắng dừng trước quán cắt tóc. Tại đây, sau khi người đàn ông mặc áo xanh ra lệnh bắt, người mặc quần áo giống công an lôi kéo nam thanh niên trẻ ở quán cắt tóc lên xe ô tô nhưng bị những người có mặt ngăn cản. Trong lúc giằng co, người đàn ông áo trắng đi cùng đã tát thẳng mặt cô gái, đẩy mạnh khiến cô gái này suýt ngã. Khi những người ở quán cắt tóc vào nhà, người đàn ông tiếp tục đi vào và tát mạnh vào mặt cô gái.
Mặc dù những người có mặt đều nói "nhà có camera" nhưng người đàn ông áo trắng vẫn hung hăng. Theo người đăng tải clip, họ không biết những người trên xe ô tô là cán bộ thuộc đơn vị nào bởi khi định đưa nam thanh niên ở quán cắt tóc đi. Những người trên không đọc lệnh bắt giữ hay giới thiệu chức vụ.
Sau khi nhận được thông tin, công an phường đã mời các bên đến làm việc. Phía người hành hung đã hứa bồi thường cho 2 người bị đánh và hai bên đã hòa giải.
Theo tường trình của những người có liên quan, khoảng 23h ngày 28/4, tại phường Đề Thám, TP Cao Bằng đã xảy ra vụ việc ông Đ.Đ.Đ. - Phó Trưởng Công an phường Sông Bằng đến nhà hành hung 1 người phụ nữ và đòi bắt 1 nam thanh niên lên xe.
Nguyên nhân vụ việc được cho là khoảng 22h cùng ngày, nữ bệnh nhân được bác sỹ tên Nam, đã từng khám phụ khoa trước đó gọi điện đến hẹn khám lại nhưng bị bệnh nhân thẳng thừng từ chối với lý do thời điểm đó đã là đêm muộn. Vụ việc trên đã khiến bạn trai của người phụ nữ bức xúc, gọi lại dẫn đến lời qua tiếng lại với vị bác sỹ trên. Sau khi hỏi rõ địa chỉ, vị bác sỹ này đã cùng cán bộ công an có mặt tại nhà nữ bệnh nhân để bắt người vì cho rằng đã có đầy đủ bằng chứng lưu trong điện thoại. Sau khi được đăng tải, nhiều người đã bày tỏ bức xúc trước hành động của vị bác sỹ và nhóm cán bộ công an trên.
"Kết quả rà soát ban đầu cho thấy bác sỹ sản khoa trên không thuộc biên chế tại bất kỳ cơ sở y tế công lập nào do Sở Y tế tỉnh Cao Bằng trực tiếp quản lý. Người này đang làm việc cho một phòng khám tư nhân. Sở Y tế tỉnh Cao Bằng sẽ cho kiểm tra, xác minh cụ thể và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm", ông Nông Tuấn Phong - Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho biết.
Hành vi đánh phụ nữ là không thể chấp nhận
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, nếu đã xác định người mặc áo trắng trong clip là Phó trưởng công an phường, dù cô gái bị đánh không tố cáo về hành vi cố ý gây thương tích thì cũng vẫn cần truy cứu trách nhiệm. Nếu kết quả xác minh chưa đến mức xử lý hình sự, cũng phải xem xét kỷ luật thích đáng với vị cán bộ công an phường này vì đã vi phạm kỷ luật công an nhân dân.
Theo nội dung clip từ camera an ninh ghi lại, rõ ràng Phó trưởng công an phường đã có hành vi côn đồ khi liên tiếp đánh người phụ nữ. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm tội Cố ý gây thương tích, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo luật sư, những gì diễn ra qua clip cho thấy hành vi đánh người là vô cớ, đánh phụ nữ lại càng không thể chấp nhận được. Người phụ nữ này có thể đi thăm khám, đề nghị giám định thương tích. Trường hợp có thương tích xảy ra, dù tỉ lệ thương tích chưa tới 11 % vẫn có thể xử lý hình sự người có hành vi về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự khi nạn nhân có yêu cầu.
Cần làm rõ về hành vi bắt giữ người trái pháp luật?
"Theo quy định của pháp luật thì cơ quan chức năng chỉ được phép bắt người phạm tội quả tang, bắt người theo lệnh truy nã, bắt bị can để tạm giam, bắt bị cáo để thi hành hình phạt tù, giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Tất cả các hoạt động tố tụng này phải theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và phải được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.
Việc bắt giữ người phải được thực hiện theo quy trình, quy định của pháp luật. Khi bắt người phải có lệnh bắt người, công bố lệnh và có sự giám sát của Viện Kiểm sát cùng cấp. Người bị bắt có quyền được biết mình bị bắt vì lý do gì và được quyền khiếu nại đối với quyết định bắt người", Tri thức và cuộc sống dẫn lời luật sư Cường.
Luật sư cho biết, hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do thân thể của công dân. Hành vi bắt giữ người phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Ngoài các trường hợp pháp luật quy định, cho phép bắt người thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như tất cả các tổ chức, cá nhân không được phép bắt giữ người. Những trường hợp bắt giữ người ngoài trường hợp luật pháp quy định là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại điều 157 Bộ luật hình sự về Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, tội danh này được cấu thành kể từ khi người thực hiện hành vi phạm tội đe dọa uy hiếp tinh thần, sử dụng vũ lực để ép buộc nạn nhân ra khỏi nơi cư trú, nơi làm việc của họ hoặc có những hành vi khác xâm phạm thân thể công dân, tước bỏ quyền tự do về thân thể của công dân trái pháp luật. Tội danh này không bắt buộc người phạm tội phải bắt được, giữ được nạn nhân.
Dẫn quy định tại Khoản 3, Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, luật sư Cường cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, nếu không phải là trường hợp phạm tội quả tang; hoặc bắt người đang truy nã; công an tuyệt đối không được bắt giữ người vào ban đêm. Mọi hành vi bắt giữ người vào ban đêm, nếu không thuộc hai trường hợp nêu trên; đều được coi là trái luật và người bị bắt có quyền yêu cầu khiếu nại, bồi thường thiệt hại.
Hành vi bắt giữ người không có căn cứ, không đúng thẩm quyền, không theo trình tự thủ tục luật định là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm sẽ bị kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất, tinh thần cho nạn nhân theo quy định của pháp luật.
"Vụ việc trên là nghiêm trọng, làm xấu đi hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân, đe dọa đến sức khỏe, quyền được bảo vệ thân thể, danh dự uy tín của công dân. Bởi vậy dù nạn nhân không đề nghị xử lý, cơ quan chức năng vẫn vào cuộc xem xét xử lý về hành vi bắt giữ người trái pháp luật và hành vi vi phạm kỷ luật công chức", luật sư Cường nêu ý kiến trên báo Công lý.
T.H (th)