PLBĐ - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã đưa ra cảnh báo không nên chủ quan về Omicron, bởi số người tử vong vì "siêu biến chủng" này trên thế giới đang gia tăng.
Theo VOV đưa tin, ngày 6/1, phát biểu trong cuộc họp thường kỳ về đại dịch COVID-19 tại trụ sở WHO (ở Geneva, Thụy Sỹ), Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các nghiên cứu từ nhiều nhóm khoa học tại các quốc gia cho thấy biến thể Omicron gây ra nguy cơ nhập viện thấp hơn so với biến thể Delta. Tuy nhiên, việc xếp loại biến thể Omicron vào dạng "nhẹ" là không hợp lý và có thể gây ra các tác động nguy hiểm.
"Mặc dù biến thể Omicron có vẻ như ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta, đặc biệt đối với những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhưng điều này không có nghĩa là nên xếp loại Omicron là dạng nhẹ. Cũng giống như các biến thể trước, Omicron cũng khiến nhiều người nhập viện và nhiều người tử vong. Trên thực tế, cơn sóng thần nhiễm bệnh hiện nay quá lớn, quá nhanh và đang khiến các hệ thống y tế trên khắp thế giới quá tải", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.
Tổng Giám đốc WHO cũng cảnh báo về một "cơn sóng thần" khi các ca nhiễm COVID-19 toàn cầu tăng cao đến mức kỷ lục. "Cơn sóng thần" này được thúc đẩy bởi cả biến thể Omicron và Delta, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe bị quá tải và gây khó khăn trong việc chế ngự đại dịch COVID-19.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tiếp tục kêu gọi tăng cường phân phối vaccine COVID-19 để giúp các nước nghèo tiêm chủng cho người dân của họ. Theo Tổng Giám đốc WHO, dựa trên việc triển khai vaccine hiện tại, 109 quốc gia sẽ không đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 70% dân số trước tháng 7 của WHO.
"Sự bất bình đẳng về vaccine cướp đi sinh mạng và việc làm, đồng thời làm suy yếu sự phục hồi kinh tế toàn cầu", Tri thức trực tuyến dẫn lời của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Trước đó, người đứng đầu WHO đã cho biết, thế giới sẽ có đủ liều vaccine vào năm 2022 để cung cấp cho toàn bộ người trưởng thành trên toàn cầu, nếu phương Tây không tích trữ vaccine để tiêm tăng cường cho người dân của mình.
Liên quan một biến thể khác thuộc dòng B.1.640, có tên tạm gọi là IHU, bà Maria Van Kerkhove - chuyên gia dịch tễ tại WHO cho biết biến thể này "đang được theo dõi". Biến thể mới này được các nhà khoa học Pháp phát hiện ở thành phố Marseille cách đây vài tuần.
Biến chủng Omicron được ghi nhận lần đầu tiên ở Nam Phi vào ngày 24/11/2021. Biến chủng này được WHO đánh giá là biến thể "đáng lo ngại" do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch. Đến nay, biến thể Omicron đã lây lan ít nhất 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Tại Việt Nam, ngày 27/12/2021, TP. Hà Nội đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên. Trường hợp này trở về từ nước Anh, được phát hiện tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Đến nay, nước ta đã ghi nhận tổng cộng 30 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Cụ thể: Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (11), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).
T.H (th)