Tại Chỉ thị 37 của Ban Bí thư có nêu nội dung xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho bộ đội xuất ngũ, người cao tuổi còn đủ sức khỏe có nhu cầu tham gia thị trường lao động.
Ngày 10/7/2024, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 37-CT/TW về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ được giao là các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát, coi trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân, gắn với bảo tồn, phát huy không gian văn hoá, tiềm năng du lịch khu vực nông thôn; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn.
Hoàn thiện bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động ở từng vùng, từng địa phương; xây dựng chính sách tạo đột phá trong phát triển nhân lực, cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.
Nghiên cứu, triển khai chương trình, ban hành chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2030.
Tiếp tục ưu tiên đào tạo nghề cho lao động thuộc diện đối tượng chính sách, người có công, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật; quan tâm đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chuyển sang học nghề, khuyến khích hoạt động vừa tổ chức học nghề kết hợp học văn hoá phổ thông để nâng cao kiến thức văn hoá và nâng cao kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên trước khi tham gia thị trường lao động; xây dựng các chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động, đặc biệt là lao động trong các khu công nghiệp, bộ đội xuất ngũ, người cao tuổi còn đủ sức khoẻ có nhu cầu tham gia thị trường lao động.
Huy động sự tham gia, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Như vậy, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho bộ đội xuất ngũ, người cao tuổi còn đủ sức khỏe có nhu cầu tham gia thị trường lao động.
Chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho bộ đội xuất ngũ (Hình từ internet)
Hiện nay, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm thực hiện. Cụ thể, ngày 09/7/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện.
Và để thực hiện Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 43/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
>> Xem thêm: Chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm khi xuất ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ năm 2024