Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước nhập khẩu 75.437 ô tô các loại, trị giá gần 1,7 tỉ USD, tăng tới 511,5% về số lượng và tăng 411,2% về giá trị so với cùng kỳ
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 145,13 tỉ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đã có 24 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD, 33/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, lượng xe nhập khẩu đã lập con số kỷ lục trong thời gian qua. Trong 6 tháng đầu năm 2019, cả nước nhập khẩu 75.437 ô tô các loại, trị giá gần 1,7 tỉ USD, tăng tới 511,5% về số lượng và tăng 411,2% về giá trị so với cùng kỳ. Theo ông Chinh, con số nửa đầu năm 2019 gần đạt bằng cả năm 2018. Số lượng nhập khẩu trung bình mỗi tháng khoảng 12.570 xe, tương đương số liệu nhập khẩu trung bình 5 tháng cuối năm 2018.
Ông Chinh cho biết nguyên nhân đến từ việc một số dòng ô tô còn được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dung tích nhỏ theo quy định của Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt nhằm khuyến khích các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường. Đáng nói, thuế nhập khẩu ôtô ASEAN về Việt Nam giảm về 0%, do vậy nhập khẩu ôtô từ khu vực ASEAN tăng mạnh.
Ô tô nhập khẩu về cảng Hiệp Phước, Nhà Bè, TP HCM. Ảnh NLĐ
Đại diện Bộ Công Thương lý giải thêm sau một thời gian bị chững lại do những quy định của Nghị định 116, các doanh nghiệp nhập khẩu và hãng sản xuất đã đáp ứng được các yêu cầu của Nghị định, đặc biệt là vấn đề giấy chứng nhận kiểu loại. Tuy nhiên, việc nhập khẩu tăng mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước. Dù vậy, ngành công thương nhìn nhận đây là thực tế khó tránh khỏi khi hội nhập.
Chính vì vậy, đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) kiến nghị sớm có các chính sách trợ để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô. Đồng thời, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án có quy mô lớn có kèm theo chuyển giao và làm chủ công nghệ tại Việt Nam. Cục này cũng kiến nghị sửa đổi mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước trong 5-10 năm tới.
Về công tác xuất nhập khẩu thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại đánh giá lại và lựa chọn những nhóm hàng có nguy cơ dính vào những tranh chấp thương mại, kể cả các đối tác lớn để có phương án phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng rà soát, đánh giá lại các thị trường có sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu, tìm ra nguyên nhân, kể cả là nguyên nhân khách quan, từ đó tìm cách tháo gỡ.
(Theo Minh Chiến/Người lao động)