Xếp hạng tỷ phú Việt có nhiều biến động, 5 tỷ phú USD của Việt Nam nay chỉ còn 4 là thông tin đáng chú ý tuần qua.
Nữ đại gia điện lạnh chi đậm “bắt đáy” cổ phiếu
Cổ phiếu REE của Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh sau nhiều phiên mất giá mạnh thì phiên giao dịch ngày 18/3 đã tăng 6,6% lên 29.900 đồng, chỉ còn cách giá trần đúng 100 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này phục hồi mạnh ngay sau thông tin nữ tướng Nguyễn Thị Mai Thanh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đăng ký mua vào 15 triệu cổ phiếu để tăng tỉ lệ sở hữu.
Nếu giao dịch thành công, bà Mai Thanh sẽ nâng sở hữu tại REE lên thành 37,7 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ sở hữu 12,16%. Tạm tính theo giá thị trường của REE tại thời điểm đóng cửa phiên 17/3, bà Mai Thanh sẽ phải dự chi gần 450 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch như đăng ký.
Tài sản nhà Cường đôla tăng gấp 3
Trong bối cảnh các mã cổ phiếu lớn đều giảm giá, thì ở chiều ngược lại QCG của nhà Cường Đôla lại tăng bất ngờ phiên thứ 17 liên tiếp.
QCG vẫn kiên trì tăng trần lên 10.900 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên tăng thứ 17 liên tiếp và là phiên thứ 15 tăng trần liên tục của mã cổ phiếu này. Tính từ phiên 25/2 tới nay, cổ phiếu Quốc Cường Gia Lai đã tăng giá tới 205% từ mức giá 3.570 đồng đến mức giá hiện tại.
Bất ngờ cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết
Trong khi thị trường cổ phiếu đang có nhiều biến động tiêu cực thì các cổ phiếu có liên quan tới đại gia Trịnh Văn Quyết lại “gây sốt” và đều tăng giá mạnh. FLC tăng giá 180 đồng lên 3.930 đồng; AMD tăng trần lên 5.200 đồng; ROS tăng trần lên 5.270 đồng. Cả hai mã này đều không có dư bán, dư mua trần đối với AMD là hơn 9 triệu đơn vị và tại ROS là gần 4,6 triệu đơn vị.
Tương tự, HAI (cổ phiếu của Nông dược H.A.I) tăng trần phiên thứ ba liên tiếp lên 4.880 đồng, KLF (cổ phiếu của Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS) tăng trần phiên thứ tư liên tiếp lên 2.000 đồng. ART (cổ phiếu của Công ty chứng khoán BOS) tăng trần lên 3.400 đồng. Đây đều là những cổ phiếu có “họ FLC” và gắn với tên tuổi ông Trịnh Văn Quyết.
Xếp hạng tỷ phú Việt biến động
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách các tỷ phú USD trên thế giới cho năm mới với nhiều biến động. Số lượng tỷ phú USD tại Việt Nam giảm từ 5 người trong năm trước đó xuống còn 4 người. Đó là ông Phạm Nhật Vượng (chủ tịch Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO VietJet), ông Trần Bá Dương và gia đình (chủ tịch Thaco) và ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch Ngân hàng Techcombank).
Tỷ phú Việt chứng kiến tài sản sụt giảm mạnh.
Ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) đã ra khỏi danh sách sau khi chứng kiến cổ phiếu giảm khoảng 39% trong khoảng 1 năm qua, từ mức 80.000 đồng xuống 48.300 đồng/cp như hiện tại.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chứng kiến tài sản giảm mạnh nhất, với mức biến động đi xuống khoảng 2 tỷ USD trong khoảng 1 năm qua. Tính theo thời gian thực, tới 15/3/2020, tài sản của ông Vượng được Forbes đánh giá chỉ còn 5,8 tỷ USD.
Cổ phiếu Vingroup đã giảm khoảng 27,5% trong vòng 1 năm qua.
Giá cổ phiếu tăng sau cam kết hàng chục tỷ
Ngày 20/3, cổ phiếu SAS của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) đạt được mức hồi phục 1,31% lên 23.200 đồng sau nhiều phiên liên tục không tăng giá. Đây là doanh nghiệp do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch HĐQT.
Sự phục hồi này diễn ra ngay sau khi đại diện truyền thông của IPP đã xác nhận thông tin ông Nguyễn Hạnh sẽ ủng hộ 30 tỷ đồng, trong đó 5 tỷ đồng giúp đỡ người dân miền Tây, 25 tỷ đồng còn lại được chuyển thành trang thiết bị chung tay cùng Chính phủ chống dịch Covid-19.
Trước đó, gia đình ông Johnathan Hạnh Nguyễn và bà Lê Hồng Thủy Tiên cũng quyên góp hơn 6 tỷ đồng để hỗ trợ lắp đặt máy áp lực âm áp dụng trong việc điều trị Covid-19 sau khi con gái là Tiên Nguyễn chia sẻ kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ nhất.
(Theo Dân trí)
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/xep-hang-ty-phu-viet-bien-dong-5-ty-phu-usd-nay-chi-con-4-vi-sao-20200322003451124.htm