Xót cảnh người phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, chồng ngẩn ngơ sau tai nạn

25/09/2020 10:29

Trong những ngày từ Sơn La xuống Hà Nội điều trị ung thư cổ tử cung tại Bệnh viện K, chị Hà Thị Liễu phải thuê chỗ ngủ tạm ở hành lang nhà trọ với giá 50.000 đồng/ngày. Vừa đớn đau vì bệnh tật, chị vừa xót xa khi nghĩ đến người chồng ngẩn ngơ sau khi bị tai nạn lao động...

Nhiều năm qua, bà con dân tộc Mường sinh sống ở bản Nguồn, xã Mường Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã không còn xa lạ với hoàn cảnh éo le của vợ chồng anh Hà Văn Thớ (49 tuổi) và chị Hà Thị Liễu (44 tuổi). Khắp cái bản nghèo này, người ta vẫn thường nhắc đến 2 mảnh đời này như "trò đùa của số phận".

Theo lời kể lại, vì quá nghèo túng, làm không đủ ăn, hai vợ chồng anh Thớ, chị Liễu đã phải bỏ ruộng nương xuống Hà Nội làm phụ hồ để có tiền lo cho đứa con trai duy nhất ăn học. Năm 2017 tai hoạ ập đến, khi đang phụ xây tại một công trình, anh Thớ chẳng may bị ngã giàn giáo dẫn đến tụ máu trong não kèm theo nhiều thương tích. 

Mặc dù chị Liễu đã đưa chồng đi chạy chữa khắp nơi nhưng do bị chấn thương nặng, anh Thớ mất hoàn toàn khả năng lao động. Từ ngày bệnh viện trả về nhà, anh cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, khi mê lúc tỉnh. Mọi sinh hoạt từ lớn đến bé phải nhờ vào sự chăm sóc của người vợ.

Cảnh đời buồn tủi của người phụ nữ ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối - Ảnh 2.

Từ ngày tai nạn lao động đến nay, anh Hà Văn Thớ cứ ngẩn ngơ, mất hoàn toàn khả năng lao động. Ảnh: Hải Yến

Không muốn con mình phải bỏ học giữa chừng, sau vụ mùa, chị Liễu lại khăn gói xuống Hà Nội xin làm phụ xây ở một công trình. Kiếm được đồng nào, chị lại gom góp gửi về quê lo thuốc men, ăn uống cho chồng và con trai đóng học phí. Chị biết cuộc đời mình cũng chẳng bằng ai nhưng vẫn may mắn hơn vẫn còn sức khoẻ để lo toan cho gia đình. Thế nhưng, số phận trớ trêu vẫn chưa buông tha cho chị...

Tháng 4/2019, sau những cơn đau bụng dưới kéo dài, chị Liễu đi khám bệnh và được chuẩn đoán ung thư cổ tử cung. Đến tháng 10/2019, bệnh tình chuyển biến ngày càng xấu đi khi đã sang giai đoạn di căn. Tai chị ù đi, đôi chân ngã quỵ khi cầm trong tay "án tử". Chị không biết phải lấy đâu ra tiền để chạy chữa bệnh và rồi nếu không thể tiếp tục đi làm phụ xây thì chị kiếm đâu ra tiền lo thuốc men, ăn uống cho người chồng mang bạo bệnh.

Cảnh đời buồn tủi của người phụ nữ ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối - Ảnh 3.

Sau thời gian dài chạy chữa bệnh, căn nhà của gia đình chị Liễu giờ không còn một thứ đồ giá trị.

Không chấp nhận cay đắng, nghiệt ngã, chị quyết định một mình từ Sơn La xuống Hà Nội truyền hóa chất. Trước đây cứ 3 tháng chị vào viện một lần, giờ bệnh nặng hơn thì cứ 20 ngày lại có giấy hẹn. Mỗi lần như vậy, chị phải điều trị ngoại trú 5 – 6 ngày. Người phụ nữ kể bằng chất giọng thật thà của người dân tộc Mông: "Sợ nhất là những ngày tiền không đủ, cơm cũng chẳng dám ăn vì ở Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ. Truyền hóa chất xong dù có mệt đến mấy cũng cố lết dậy xếp hàng để lấy cơm từ thiện trong bệnh viện".

Những ngày điều trị tại Bệnh viện K, chị Liễu phải thuê chỗ ngủ tạm ở hành lang nhà trọ với giá 50.000 đồng/ngày để nằm nghỉ. Vừa đau đớn vì bệnh tật, chị vừa tủi thân cho hoàn cảnh của mình. Những ngày tháng sống trong nghèo khổ, dằn vặt ấy đối với chị chẳng khác gì chịu cực hình.

Cảnh đời buồn tủi của người phụ nữ ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối - Ảnh 4.

Người phụ nữ dân tộc Mông buồn tủi khi nhắc về hoàn cảnh éo le của gia đình.

Sau vài tháng vay mượn, cầm cố tài sản để chạy chữa bệnh, ngôi nhà của gia đình chị trở nên trống hoác. Đến con trâu bao năm qua giúp gia đình làm nương, làm rẫy, chị cũng phải cắn răng bán nốt để trả nợ. "Nhìn giấy hẹn đến đợt lên Hà Nội truyền hoá chất mà tôi lạnh cả người. Giờ chồng thì ốm đau nằm một nơi, tiền thì chẳng còn đồng nào. Đúng là sống chẳng được mà chết thì không đành", chị Liễu khóc nghẹn.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Hà Văn Vâng, trưởng bản Nguồn cho biết: "Gia đình anh Hà Văn Thớ - chị Hà Thị Liễu nằm trong diện được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng nhưng số tiền chỉ hơn 400.000 đồng. Giờ chị ấy lại bị ung thư cần phải chạy chữa hàng tháng nên càng túng thiếu hơn".

Cảnh đời buồn tủi của người phụ nữ ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối - Ảnh 5.

Vợ chồng anh Hà Văn Thớ và chị Hà Thị Liễu có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt ở địa phương. Anh chị rất mong nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của các mạnh thường quân.

Ông Hà Văn Tươi, Chủ tịch UBND xã Mường Lang cũng cho biết: "Đây trường hợp đặc biệt khó khăn của địa phương. Chính quyền địa phương cũng đã phối hợp cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của xã tổ chức quyên góp tiền ủng hộ cho gia đình. Tuy nhiên do là xã vùng cao, chủ yếu là dân tộc thiểu số nên đời sống còn khó khăn, số tiền quyên góp được không nhiều. Rất mong các nhà hảo tâm trên cả nước chung tay giúp đỡ gia đình họ vượt qua cơn hoạn nạn".

Mọi sự giúp đỡ gia đình chị Hà Thị Liễu - Mã số 599 xin gửi về:

1. Chị Hà Thị Liễu cùng chồng là Hà Văn Thớ ở bản Nguồn, xã Mường Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 599

3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình và Xã hội. Địa chỉ Tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 599

Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/ 0343658236

5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110 , Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

6. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

Đề gửi Mã số 599

Cao Tuân - Hoàng Chiến

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xót cảnh người phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, chồng ngẩn ngơ sau tai nạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO