Bố mẹ đường ai nấy đi và mỗi người đã tự tìm được một nửa riêng của mình, chỉ có đứa con chết não bơ vơ ở cùng ông bà nội. Đang chăm cháu ở Viện Châm cứu Trung ương mà nghe đến Tết bà nội cậu bé lại sợ đến run người, vì tiền chữa bệnh cho cháu còn không có, bà nghĩ gì đến Tết đâu.
Trong những ngày cận kề cái Tết, khi nhiều bệnh nhân đang chờ xong đợt điều trị thuốc để về nhà đoàn tụ thì với hai bà cháu cậu bé Mai Hưng Thuận lại là những ngày buồn thê thảm nhất.
Khẽ ôm cháu vào lòng, bà Đào Thị Vinh, ngân ngấn nước mắt tâm sự: “Tết về rồi lại như mọi năm, nhà ông bà chẳng có gì cả, đến đồng bánh chưng cũng là của bà con xóm giềng mang cho. Nói đúng ra là tôi sợ Tết, sợ ôm cháu về nhà rồi không biết có lên nổi viện nữa không?”.
Bố mẹ chia tay đường ai nấy đi, cậu bé Thuận về ở cùng ông bà nội đã già yếu.
Ngồi trong lòng bà là cậu bé Mai Hưng Thuận (12 tuổi) ngây ngô. Bố mẹ Thuận giờ đã đường ai nấy đi và mỗi người đều đã tìm được "một nửa" riêng của mình, bỏ lại đứa con bơ vơ sống dựa vào ông bà nội. Bấy nhiêu bất hạnh tưởng chừng đã quá nhiều với một đứa trẻ, vậy mà tai họa lại đột ngột ập đến biến em từ một cậu bé nhanh nhẹn, thông minh trở nên đờ đẫn, đáng thương.
“Cách đây 4 năm, cháu bị ngã đuối nước, may mà phát hiện kịp đưa đi cấp cứu. Đến bệnh viện bác sĩ cho biết cháu bị chết não rồi, tính mạng thì giữ được nhưng tinh thần không còn được như xưa nữa. Ông bà nghe tin mà rụng rời chân tay cô ạ”, bà Vinh đau đớn nhớ lại những ngày đen tối nhất đã xảy đến với gia đình mình để đứa cháu bà một mực thương yêu lâm vào cảnh khốn cùng của bệnh tật.
Cậu bé bị đuối nước dẫn đến chết não cách đây 4 năm.
Thương cháu, ông bà vay mượn khắp nơi để có tiền cho cháu đi chữa trị.
Đi chăm cháu những ngày ở viện cũng là khoảng thời gian bà cạn khô cả nước mắt vì sự nghèo túng và cả nỗi tủi thân, cay đắng. Không có bố, có mẹ ở bên cạnh chăm bẵm sớm hôm, Thuận sợ hãi nép mình vào góc tường rồi kéo tay bà nội che cho mình. Những lúc ấy, trong lòng bà lại đau đớn như có trăm nghìn mũi dao cứa vào nhưng sự thật phải chấp nhận.
Bà không còn thấy thằng cháu Thuận nhanh nhẹn, mồm mép, ngày nào cũng leo lẻo: “Bà ơi, lớn lên con nuôi bà” như xưa nữa… Cả cuộc đời bà chỉ trông vào cháu, vậy mà…
Nhắc đến hoàn cảnh gia đình cháu, bà Vinh không cầm được nước mắt.
Là người trực tiếp điều trị cho Thuận, bác sĩ Nguyễn Văn Tâm - Trưởng khoa điều trị liệt vận động và ngôn ngữ trẻ em ái ngại khi nhắc đến cậu bé này: “Về hoàn cảnh của cháu Thuận, chúng tôi đều nắm được. Bố mẹ cháu đã bỏ nhau, mỗi người một nơi, cháu ở với ông bà cũng già yếu lắm rồi. Cháu bị di chứng đuối nước nên dẫn đến chết não.
Tại bệnh viện, chúng tôi tiến hành làm châm cứu cho cháu trong vòng 2 năm qua và đã nhận thấy cháu có sự tiến triển rõ rệt. Hiện tại cháu đi lại được, biết gật, biết lắc. Tôi đang hy vọng cháu sẽ tiếp tục được điều trị để cải thiện hơn được nữa nhưng ông bà cháu thì kiệt quệ quá rồi, không lo được nữa”.
Bà sợ cháu sẽ bỏ cuộc giữa chừng vì không lo được tiền điều trị nữa.
Để có tiền cho cháu đi chạy chữa, ông bà đã hỏi vay khắp nơi, cái gì bán được cũng mang bán cả nhưng cũng không thấm vào đâu. Tằn tiện, nhịn cả ăn, nhịn mặc, chắt bóp được đồng nào là bà lại cho cháu đi viện bởi bà luôn tin rồi sẽ có ngày cháu lại nhận thức được mọi thứ, giống như trước kia.
Nhận ra sự thay đổi rõ rệt của cháu từ khi còn đặt đâu, nằm đó không biết gì đến việc cháu đi lại được, bà Vinh không ngừng hi vọng một ngày không xa cháu sẽ lại gọi được hai tiếng “Bà ơi” để truyện trò, quấn quýt với bà như xưa. Khẽ vuốt đôi bàn tay chai sần lên má cháu, bà nghẹn ngào, cưng nựng: “Hưng ơi, bà đây, con cố lên nhé!”.
Cố lên Hưng ơi... Bà Vinh vẫn chưa ngừng hi vọng một ngày không xa cháu sẽ trở lại bình thường.
Tết đang về gần rồi, cũng là thời điểm sợ Tết đến run người, bởi tiền không có. Những ngày ở viện tiền ăn của hai bà cháu cũng là của mọi người giúp đỡ để bà có thể cầm cự được đến bây giờ.
Lời bác sĩ Tâm nghe văng vẳng: “Cậu bé sẽ còn tiến triển hơn nhiều nếu như được điều trị, còn nếu dừng lại thì mọi chuyện sẽ diễn biến rất xấu” khiến cho bà cũng giật mình, sợ hãi. Bà già rồi, chẳng dám mưu cầu gì cả, đói ăn, thiếu mặc hay thậm chí phải về với Tổ tiên cũng không sao cả, bà chỉ mong cháu được cứu sống, như thế đã là mãn nguyện cả cuộc đời bà rồi.
(Theo Phạm Oanh/Dân trí)
https://dantri.com.vn/tam-long-nhan-ai/xot-xa-canh-ba-om-chau-bai-nao-so-tet-den-run-nguoi-20200106135544438.htm