Hình ảnh bé gái 13 tuổi ngồi trông em ở quán ven đường gần Trường THCS Thanh An, huyện Thanh Chương (Nghệ An) khiến nhiều người xót thương. Khi biết câu chuyện của bé, họ đã không cầm nổi nước mắt.
Bế em đến trường đi học
Bà Nguyễn Thị Bình – người thường xuyên trông em cho cô bé Nguyễn Thị Hiền (lớp 8, Trường THCS Thanh An) vẫn nhớ như in hình ảnh Hiền bồng em giữa tiết trời nắng gắt cách đây 2 tháng.
Bà Bình kể, lúc đó khoảng đầu tháng 9/2020, trời nắng như đổ lửa thì Hiền lưng đeo cặp, quần áo xộc xệch hai tay bế em gái khoảng 1 tuổi xin vào quán ngồi nhờ. Em bé trên tay Hiền mặt đỏ ứng vì cháy nắng, khóc ngặt nghẽo. Vừa ngồi xuống ghế, Hiền liền xin cốc nước cho em uống nhưng bé vẫn khóc.
Hiền cho em vào giỏ xe rồi đi đến trường.
Bà Bình liền đưa hộp sữa cho bé uống thì bé nín hẳn và ngủ ngon lành trên tay chị gái. Nhìn Hiền ngồi bế, rồi lấy chiếc mũ cũ sờn quạt mát cho em khiến nhiều người không cầm nổi nước mắt. "Bé ngủ say, tôi thấy Hiền cứ thấp thỏm nhìn vào trường nên liền bảo "cháu cứ để em cô trông cho rồi vào lớp mà học" – bà Bình kể.
Lúc đó, Hiền nhẹ nhàng chuyển bé sang cho bà Bình rồi chạy nhanh vào lớp. Thế nhưng chỉ được 30 phút bé lại khóc khiến bà phải nhờ người vào gọi Hiền ra. Cứ thế, suốt 2 tháng nay lúc bé ngoan thì Hiền học được 2-3 tiết. Lúc bé khóc, Hiền đành bỏ dở buổi học để trông em.
Ngôi nhà ba mẹ con ở lưng chừng đồi.
Hỏi đường đến nhà Hiền, bà Bình chỉ tay vào phía trong đồi nói, nhà Hiền cách đây khoảng 5km ở lưng chừng đồi. Tôi cũng vừa sắp xếp ít quần áo, mấy dây sữa của người hảo tâm cột vào sau xe cho Hiền cách đây khoảng 30 phút. Trưa nay hai chị em cũng mới ăn một cái bánh mì thôi.
"Hiền bảo hôm nay nhiều người cho quần áo và sữa nên cố đạp xe một vòng quanh xóm tìm mẹ về để khoe. Mẹ Hiền đã mấy hôm nay không về nhà. Chẳng ai biết mẹ Hiền đi đâu. Ở nhà chỉ có hai đứa con thơ dại tự chăm nhau. Rồi cứ vài ba ngày mẹ Hiền lại về nhà lúc trời đã tối" – bà Bình gạt nước mắt kể.
Không biết mặt bố, mẹ tâm trí không bình thường
Hiền chăm em.
Hiền gầy đen, mặc quần áo quá khổ phải dùng thắt lưng thít chặt vào bụng đang ngồi sửa lại chiếc lưới đánh cá trước thềm nhà. Hiền bảo: "Em phải tranh thủ lúc bé Sóc (em gái mới 14 tháng tuổi của Hiền) đang ngủ ngồi sửa lại cái lưới. Mấy hôm trước đi thả lưới nhưng chỉ được mấy con ốc. Em hi vọng mấy hôm nay nước lên sẽ bắt được con cá để về giã nhỏ cho em Sóc ăn. Đã lâu rồi bé Sóc chỉ ăn cơm nát".
Vừa dứt câu chuyện, Hiền lại chạy vào nhà khi bé Sóc khóc. Ngôi nhà của ba mẹ con ở lưng chừng đồi vừa được bà con xóm giềng chung tay dựng nên. Trong nhà ngoài hai chiếc dát giường kê dưới đất thì không có thứ gì đáng giá.
Thắc mắc vì sao không để 2 dát này lên giường thì Hiền ngậm ngùi nói: "Hai cái dát em xin về không vừa với giường nên em để dưới đất. May còn có hai dát giường chứ trước đây em với Sóc chỉ ngủ dưới đất".
Vừa dỗ em, Hiền gạt nước mắt nói tiếp: "Hôm nay em được các nhà hảo tâm hỗ trợ ít tiền và quần áo cũ. Giờ có mẹ ở nhà thì vui biết mấy. Đã mấy ngày rồi mẹ chưa về nhà. Em muốn chạy ra chợ mua ít thịt để mẹ ăn nữa. Cũng lâu rồi mẹ đi cắt cỏ thuê, rồi lang thang chỉ nhặt ăn nhưng thứ lung tung ngoài đường".
Hiền tranh thủ ôn bài khi em Sóc ngủ say.
Thương mẹ nhưng Hiền không biết làm cách nào bởi mẹ có đi cắt cỏ thuê kiếm đồng tiền thì hai chị em mới có gạo ăn. Khổ nỗi, có những lúc người mẹ đi cả tuần mới về nhà một lần. Những lúc đó, Hiền đành sang bà ngoại hoặc chạy sang các cô, chú hàng xóm vay 20 ngàn đồng mua gạo nấu cháo cho em.
Nhắc đến người mẹ của Hiền, chị Nguyễn Thị Huê (hàng xóm) ái ngại kể, mẹ Hiền là chị Nguyễn Thị Tuyến (SN 1977) đầu óc không được bình thường. Ngày trước, chị Tuyến vào tỉnh phía Nam làm ăn. Thời gian sau, chị bế đứa con đỏ hỏn về gửi bà ngoại khiến ai cũng bất ngờ.
Thương con gái khờ dại, bà ngoại Phan Thị Năm lúc đó 74 tuổi đành gồng mình nuôi hai mẹ con và đặt tên đứa bé là Hiền. Con gái được 11 tuổi thì chị Tuyến không cho ở với bà ngoại nữa và đòi ra ngoài ở riêng. Khuyên con không được, bà Năm đành nhờ chòm xóm dựng cho hai mẹ con một căn nhà nhỏ ở lưng chưng đồi.
Oái ăm thay, khi ra ngoài ở một thời gian thì chị Tuyến lại mang bầu. Thời gian này chị luôn lẩm bẩm "đẻ ra sẽ cho người khác. Không nuôi. Khổ lắm". Lúc đó, Hiền chỉ quỳ xin mẹ đừng cho em và hứa sẽ chăm em.
"Từ khi mẹ sinh Sóc đến nay, Hiền một mình chăm bẵm em. Chị Tuyến thì đi biền biệt, ít thì 2-3 ngày về nhà một lần. Có những lúc đi 7-10 ngày. Nhưng lúc về nhà, khi bình thường thì ôm 2 người con âu yếm. Khi thì quát mắng, đánh đập Hiền. Hai chị em lúc đó chỉ biết chạy qua nhà tôi xin ngủ nhờ. Thương nhất là những lúc mưa gió, nhà không có điện, Hiền chỉ biết ôm, dỗ em suốt đêm" – chị Huê kể.
Em Sóc cứ bám riết lấy chị.
Thầy Nguyễn Sỹ Chung – Phó hiệu trưởng Trường THCS Thanh An cho biết, hoàn cảnh em Hiền rất đáng thương. Sinh ra em không biết mặt bố, mẹ tâm trí không bình thường cứ đi lang thang có khi cả tuần không về nhà. Bà ngoại thì đau ốm thường xuyên nên không thể trông bé được. Thương em nên Hiền buộc phải bế em gửi một gia đình ở gần trường để vào lớp học.
"Nhà trường đã tạo mọi điều kiện như miễn toàn bộ các khoản đóng góp cũng như học phí cho cho em Hiền. Ngoài ra, trường có hỗ trợ gì đều ưu tiên cho em học sinh này. Việc Hiền gửi em nhà trường cũng nắm được và thời gian nghỉ giữa tiết học, các thầy cô, bạn bè cùng Hiền ra thăm non em" – thầy Chung nói.
Mọi sự giúp đỡ bé Nguyễn Thị Hiền - Mã số 605 xin gửi về:
1. Bé Nguyễn Thị Hiền ở thôn An Phong (xóm 9 cũ) xã Thanh An, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An
2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 605
3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình và Xã hội. Địa chỉ Tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 605
Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/
5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):
Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110 , Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.
6. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):
Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.
Đề gửi Mã số 605
V. Đồng