Hơn 3 năm nay, cụ Nguyễn Nhựt (SN 1938) bị lòa hai mắt và liệt nửa người bên trái và người vợ liệt giường vẫn nương tựa vào nhau mà sống. Mọi việc từ bón cơm, nước, vệ sinh… đều một tay cụ săn sóc cho vợ của mình.
Rẽ vào con đường bê tông nhỏ hẹp thuộc Tổ 18 (thôn 3, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đập vào mắt chúng tôi là căn nhà cấp 4 xập xệ, nơi có hai phận già khốn khổ đang nương tựa nhau mà sống.
Thấy có khách đến nhà ông Nhựt, hàng xóm láng giềng đều qua giúp tiếp khách vì cụ Nhựt nói chuyện không được rõ và đứt quãng.
Cụ Nguyễn Nhựt cùng vợ của mình là cụ Lương Thị Cầu (80 tuổi) nên duyên do mai mối. Đi cùng nhau qua hết gian nan của chiến tranh, nghèo đói nhưng hai cụ vẫn một lòng son sắt đến già. Không có con, hai cụ đã nhận nuôi một bé gái con người dân trong làng đã mất do địch tập kích.
Ông Lê Anh Đức (Chi hội trưởng Chữ thập đỏ thôn 3, xã Bình Giang) cho biết: “Cô con gái nuôi của hai cụ đã lấy chồng nhưng nhà cũng chẳng khá giả gì. Chồng cô ấy vừa mới mất, lâu nay cổ cũng làm thuê mướn, lúc sáng thì mang cơm đến cho hai cụ rồi đi làm, đến chiều về lại mang cơm qua. Còn mọi việc chăm sóc cụ Cầu đều do cụ Nhựt đảm nhiệm, từ bón cơm, nước, vệ sinh…, nhưng khổ nỗi cụ bị lòa khó thấy đường nên mọi việc phải mò mẫm, lầm lũi rất đáng thương”.
Năm 2012, cụ Nhựt bị tai biến phải nằm liệt giường nên mọi việc đều do cụ Cầu chăm sóc. Nhưng đến năm 2016, khi bệnh cụ Nhựt chuyển biến tốt thì “bi kịch” ập đến khi cụ Cầu lại đổ bệnh.
Vợ chồng thay phiên chăm nhau trong cảnh khốn cùng, nhà đã nghèo nay càng khó khăn hơn. Nơi sinh hoạt chỉ vỏn vẹn hơn chục mét vuông nhưng vẫn trống huơ trống hoác vì chẳng có đồ đạc gì, đến cái nồi cái bát cũng trở nên cáu bẩn, lâu lâu lại bốc mùi vì ít được dọn dẹp.
Hình ảnh ông lão bị liệt nửa người chỉ dùng được tay phải bón cơm, nước cho bà lão nằm liệt giường, ốm yếu xanh xao khiến ai cũng khó kìm nước mắt.
Bị lòa nên đôi khi cụ Nhựt lại bón trật ra ngoài, bà Cầu lại ú ớ hoặc ngoắc tay để ra ám hiệu cho cụ lau đi. Xong việc, cụ Nhật lại dùng cây gậy để dò đường rửa chén bát. Tiếng chén bát va chạm nhau, tiếng dép lẹt xẹt lâu lâu lại vang lên trong căn nhà đìu hiu, cũ kỹ.
“Ông Nhựt bị lãng tai, nên nhiều lúc bà Cầu đi ngoài kêu ú ớ mãi ông cũng chẳng biết. Có khi ông bón thức ăn, sữa trật ra ngoài cũng chẳng thấy mà lau khiến ruồi bâu vào bà rất tội. Chúng tôi hàng xóm thì lâu lâu qua xem, giúp được gì thì giúp chứ cũng cảnh khó khăn cả nên cũng không giúp được nhiều. Tội nghiệp hai cụ, ông Nhựt khi xưa hơn 20 năm là dân quân tự vệ rất tốt với mọi người, hàng xóm có việc ông đều đến giúp đỡ nên người dân rất thương. Hai cụ sống có tình nghĩa, nhưng không ngờ về già lại khốn khổ như vậy”, bà Hồng, hàng xóm gia đình ông Nhựt buồn bã chia sẻ.
Ông Hồ Văn Nghệ (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Giang, huyện Thăng Bình) chia sẻ: “Hai cụ thuộc diện gia đình neo đơn của xã và thuộc diện khuyết tật nặng. Hoàn cảnh hai cụ rất đáng thương, có cô con gái nuôi nhưng gia cảnh cũng nghèo khó và phải đi làm thuê mướn nên không có nhiều điều kiện chăm sóc hai cụ. Chúng tôi hy vọng, bạn đọc báo Dân Trí và các nhà hảo tâm có thể quan tâm giúp đỡ cho hai cụ trong lúc cuối đời. Xin chân thành cảm ơn”.
(Theo Dân Trí)