Chống gian lận là một trong những khoản đầu tư công nghệ hàng đầu được các CEO ngân hàng hàng đầu lên kế hoạch cho năm 2024 và 2025. Tất cả các tổ chức tài chính đều đồng ý rằng: gian lận séc là mối đe dọa gian lận lớn nhất, tiếp theo là lừa đảo đầu tư và chiếm đoạt tài khoản.
Mới đây, Jack Henry, một trong những chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Mỹ vừa công bố nghiên cứu về những bài học giá trị từ Giám đốc điều hành các ngân hàng và Hiệp hội tín dụng. Nghiên cứu góp phần giúp các ngân hàng nắm bắt những thay đổi của thị trường, các cơ hội mới để tinh chỉnh kế hoạch chiến lược của mình và cạnh tranh thành công trong phần còn lại của năm 2024 và năm 2025.
Các vấn đề của thị trường ngân hàng, tài chính
Những bài học sâu sắc được Jack Henry tổng hợp dựa trên những nghiên cứu trong nửa đầu năm 2024 gồm:
Tăng tiền gửi
Đây được xem là chiến lược ưu tiên hàng đầu của tất cả các tổ chức tài chính trong năm 2024 và 2025. Trên thực tế, 72% giám đốc điều hành ngân hàng cho biết: Việc tăng tiền gửi là tối quan trọng. Khi chi phí gây áp lực giảm xuống thu nhập ròng, các ngân hàng sẽ phải chịu áp lực nhiều hơn nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Trong đó, những mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng giai đoạn 2024 - 2025 là: (1) Nén biên lãi ròng (NIM); (2) Thiếu hụt/chuyển dịch tiền gửi; (3) Gia tăng phí dịch vụ: (4) Thu hút và giữ chân nhân tài.
Đầu tư vào công nghệ
Theo ước tính, có đến 80% các tổ chức tài chính có kế hoạch tăng chi tiêu cho công nghệ trong hai năm tới để thúc đẩy mọi hoạt động của đơn vị mình trở nên tối ưu hơn. Ba khoản đầu tư công nghệ hàng đầu mà các ngân hàng tập trung, đó là: ngân hàng số, phân tích dữ liệu và phát hiện/giảm thiểu gian lận.
Ngoài ra, 92% các tổ chức tài chính có kế hoạch sẽ áp dụng công nghệ tài chính vào trải nghiệm ngân hàng số để nâng cao trải nghiệm khách hàng và hoàn thiện các mục tiêu kinh doanh của mình. Các kế hoạch hướng đến áp dụng công nghệ tài chính thanh toán với các ngân hàng, đặc biệt trong việc hỗ trợ về dịch vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB) cũng như về quản lý kho bạc.
Hiện nay, kế hoạch triển khai các dòng dịch vụ Ngân hàng dưới dạng Dịch vụ Banking-as-a-Service (BaaS) - (đưa dịch vụ ngân hàng vào các thương hiệu của bên thứ ba, không phải ngân hàng) đã bị hạn chế đáng kể do sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý và các chi phí tuân thủ liên quan được đưa ra vào năm 2023. Trên thực tế, chỉ có 30% các tổ chức tài chính trích dẫn các kế hoạch BaaS vào năm 2024 và 2025.
Tập trung vào khách hàng doanh nghiệp
Theo nghiên cứu: trong năm 2024 và năm tiếp theo, 90% các tổ chức tài chính có kế hoạch phục vụ một thị trường ngách để cụ thể hóa đối tượng mục tiêu, thị trường mục tiêu. Khoảng 86% các ngân hàng sẽ nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp.
Kết quả nghiên cứu khảo sát của Jack Henry đối với 78% những người được hỏi đều cho biết: Họ có kế hoạch mở rộng các dịch vụ cho các SMB (bao gồm thanh toán, tín dụng/cho vay doanh nghiệp và dịch vụ thương mại).
Thẻ số - Xu hướng công nghệ năm 2024 - 2025
Hầu hết các tổ chức tài chính có kế hoạch bổ sung các dịch vụ thanh toán trong vòng hai năm tới. Trong đó, dịch vụ FedNow® là ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là phát hành thẻ kỹ thuật số, thẻ không tiếp xúc và Hệ thống thanh toán bù trừ tự động (ACH) trong ngày.
Tỷ lệ các giám đốc điều hành ngân hàng có kế hoạch bổ sung các khoản thanh toán theo thời gian thực từ The Clearing House đã tăng gấp đôi trong năm nay. 97% số người được hỏi có kế hoạch nâng cao năng lực cho vay của doanh nghiệp mình. Đặc biệt, các ngân hàng có xu hướng tập trung vào quy trình làm việc tự động và phân bổ tài chính tùy chỉnh/tự động.
Chống gian lận cũng là khoản đầu tư công nghệ hàng đầu được nhà điều hành các ngân hàng hàng đầu lên kế hoạch cho năm 2024 và 2025. Tất cả các tổ chức tài chính đều đồng ý rằng: gian lận séc là mối đe dọa gian lận lớn nhất, tiếp theo là lừa đảo đầu tư và chiếm đoạt tài khoản. Những người tham gia trả lời trong cuộc khảo sát cho biết: Sự am hiểu về kỹ thuật đối với nhân viên và vi phạm dữ liệu là những mối đe dọa mạng hàng đầu mà họ phải đối mặt trong năm nay và năm sau.
Thực tế, các tổ chức tài chính đang vừa phải cạnh tranh lẫn nhau, vừa phải chịu áp lực tăng lợi nhuận và giải quyết các mối quan tâm về thu nhập ngoài lãi suất . Do đó, các kế hoạch, chiến lược đầu tư sẽ ưu tiên vào công nghệ theo xu hướng chung của thị trường nhằm loại bỏ các quy trình rườm rà và thủ công vốn có.
Để đạt được mục tiêu này, quy trình làm việc của doanh nghiệp sẽ được tự động hóa quy trình bằng rô bốt (RPA), máy học (ML) và AI. Đây cũng đang là những công nghệ đang được săn đón và nhanh chóng thịnh hành trên toàn cầu.
Các ngân hàng cần chủ động tận dụng sự thay đổi của thị trường, đầu tư vào các ứng dụng công nghệ hiện đại để có vị thế tốt hơn, nắm bắt được các tiềm năng tăng trưởng và giảm thiểu rủi ro suy thoái - bất kể nền kinh tế diễn biến như thế nào vào cuối năm 2024 và năm 2025.
Đầu tư cho công nghệ không nên chỉ chạy đua theo xướng
Theo ông Nguyễn Bá Chiến, Tổng giám đốc Công ty DTSVN (Công ty chuyên về Giải pháp chuyển đổi số ngành Tài chính - Ngân hàng), việc đầu tư vào công nghệ đang trở thành yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của các ngân hàng trong môi trường đầy biến động hiện nay.
Trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng và sự thay đổi nhanh chóng của thị trường, công nghệ như AI, Machine Learning (ML) hay tự động hóa quy trình bằng rô bốt (RPA)... không chỉ hỗ trợ tối ưu hoá vận hành mà còn mở ra những cơ hội tăng trưởng mới. Đặc biệt, các ứng dụng ngân hàng số dựa trên nền tảng low code không chỉ giúp tăng cường khả năng phòng chống gian lận, đưa sản phẩm ra thị trường nhanh mà còn mang lại trải nghiệm khách hàng tốt hơn, cá nhân hóa và linh hoạt hơn.
Ông Chiến nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ không nên chỉ là một cuộc chạy đua với xu hướng, mà cần xuất phát từ chiến lược dài hạn, gắn kết với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và khách hàng.
Ánh Nguyệt
Nguồn tham khảo: Bank automation news