Tôi muốn hỏi xuất cảnh là gì? Khi nào một người được xem là xuất cảnh trái phép theo quy định hiện hành? – Minh Hiếu (Long An)
Xuất cảnh là gì? Khi nào được xem là xuất cảnh trái phép? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, xuất cảnh là việc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.
Việc xuất cảnh phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi cho công dân Việt Nam; chặt chẽ, thống nhất trong quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
- Bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh.
- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
(Điều 3 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019)
Theo quy định tại Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, để được xuất cảnh hợp pháp ra khỏi lãnh Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam thì công dân cần phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Có giấy tờ xuất cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng:
Cụ thể giấy tờ xuất cảnh gồm có:
+ Hộ chiếu ngoại giao;
+ Hộ chiếu công vụ;
+ Hộ chiếu phổ thông;
+ Giấy thông hành;
+ Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trong đó, thời hạn của giấy tờ xuất cảnh được quy định như sau:
+ Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.
+ Thời hạn của hộ chiếu phổ thông được quy định như sau:
(i) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;
(ii) Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn;
(iii) Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
+ Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.
(Khoản 1 Điều 6 và Điều 7 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, sửa đổi 2023)
- Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;
- Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật.
Đối với người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tuổi ngoài các điều kiện nêu trên phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Do đó, nếu không đáp ứng đủ các điều kiện trên, người có hành vi tự ý xuất cảnh ra nước ngoài sẽ bị xem là xuất cảnh trái phép.
(Điều 33 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019, sửa đổi 2023)
Nếu công dân thực hiện hành vi xuất cảnh trái phép thì tùy theo mức độ sẽ có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép”, cụ thể:
- Xử phạt hành chính:
Cá nhân có hành vi vượt biên trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính nếu rơi vào các trường hợp được quy định tại Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
* Trường hợp 1: Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
* Trường hợp 2: Sử dụng hộ chiếu giả, giấy thông hành giả, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam giả hoặc thẻ ABTC giả sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
* Trường hợp 3: Giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
* Trường hợp 4: Làm giả hộ chiếu, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 7 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Đối với các trường hợp 2, 3, 4 nêu trên còn bị hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Tại Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015, người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.