Y tế tuần qua: COVID-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A; Chưa tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi

13/08/2022 08:49

PLBĐ - Bộ Y tế đề xuất tiếp tục coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và chưa công bố hết dịch; Chưa tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ dưới 5 tuổi; Việt Nam tăng cường nghiên cứu sản xuất thuốc trị bệnh đậu mùa khỉ;... là những tin y tế nổi bật trong tuần qua.

Bộ Y tế đề xuất chưa coi COVID-19 là bệnh lưu hành

Bộ Y tế đã có Tờ trình Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục coi COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và chưa công bố hết dịch. Bộ cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hiện vẫn cảnh báo dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu, và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vaccine.

Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế. Nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Theo đó, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất vẫn giữ phân loại COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Tuy nhiên, Bộ đề xuất từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Bộ Y tế đã xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch đáp ứng với 2 tình huống:

Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa. Tuy nhiên, do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng. Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.

Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong, bao gồm các biện pháp đặc thù như: Giám sát phát hiện; Kiểm soát ra vào vùng có dịch; Cách ly/ theo dõi sức khỏe; Khám, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2; Phòng lây nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Vệ sinh trong việc quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt.

Y tế tuần qua: COVID-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A; Chưa tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cũng trong tờ trình, Bộ Y tế đề xuất chưa coi COVID-19 là bệnh lưu hành. Đối với dịch COVID-19, hầu hết các nước trên thế giới có số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thay đổi khi có xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, đồng thời miễn dịch (do vaccine và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian, do đó dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.

Việt Nam sẽ nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có công văn về việc tăng cường nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc để nghiên cứu sản xuất thuốc phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 29/7, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ. Trước tình hình bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới đang có diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã bắt đầu tăng cường nghiên cứu các thuốc mới để có giải pháp hiệu quả hơn trong điều trị cho người bệnh mắc đậu mùa khỉ.

Theo Hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế, các thuốc chứa dược chất Tecovirimat, Brincidofvir, Cidofovir, Probenecid là các thuốc được WHO khuyến cáo sử dụng. Hiện nay, vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cũng đã được cấp phép lưu hành ở một số nước.

Để đẩy nhanh việc tiếp cận thuốc mới điều trị bệnh đậu mùa khỉ, Cục Quản lý Dược đề nghị các đơn vị sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cường nghiên cứu, cập nhật xu thế nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới, tiếp cận nguồn cung cấp nguyên liệu làm thuốc nêu trên, nhập khẩu về Việt Nam để chủ động nghiên cứu và sản xuất thuốc.

Các đơn vị nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc cần chủ động liên hệ với các nhà sản xuất nước ngoài để có thể tiếp cận nguồn cung các thuốc nêu trên và rà soát nhu cầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cục Quản lý Dược sẽ ưu tiên tối đa để cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc này theo đúng quy định.

Chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi

Tại báo cáo của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 11/8 về tình hình tiếp nhận và triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế cho biết, ngày 2/8 vừa qua, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã tổ chức họp về việc tiêm vaccine phòng COVID-cho trẻ em dưới 5 tuổi và chưa có khuyến cáo tiêm vaccine cho nhóm tuổi này.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ địa phương triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả. Đồng thời Bộ cũng sẽ tiếp tục theo dõi khuyến cáo của WHO, kinh nghiệm triển khai của các quốc gia để đưa ra khuyến cáo và xác định nhu cầu vaccine tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi nếu đủ cơ sở và bằng chứng khoa học triển khai tiêm chủng.

Bộ Y tế đề nghị Bộ công an phối hợp đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua, tại các bệnh viện liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người bệnh, người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế làm mất trật tự, an ninh, an toàn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, tinh thần, tính mạng của nhân viên y tế.

Y tế tuần qua: COVID-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A; chưa tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi - Ảnh 1.

Một vụ hành hung y bác sĩ trong bệnh viện.

Để tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn về một số nội dung, cụ thể:

Điều tra, xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội).

Tiếp tục chỉ đạo Công an địa phương thực hiện nội dung Quy chế số 03/QC-BCA-BYT ngày 26/9/ 2017 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế; Quy chế phối hợp số 36/KCB-CSQLHC ngày 28/01/2019 giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội về bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn giao thông trước các cổng bệnh viện.

Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bản trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện.

Tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực có bệnh viện lớn, có lượng người đến đông khám bệnh, chữa bệnh.

Thiết lập, củng cố mạng lưới đường dây nóng của lực lượng Cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho Bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời gọi và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự.

Cô gái trẻ suýt mất mạng vì thực phẩm chức năng làm đẹp, thải độc

Chị Vũ Thị H. (25 tuổi, ở Lâm Đồng) có bệnh vảy nến. Được người quen giới thiệu một số loại thực phẩm chức năng để điều trị, tăng cường sức đề kháng, làm đẹp da, thải độc tố… chị mua bộ gồm 7 sản phẩm thực với giá gần 5 triệu đồng. Sử dụng khoảng 5 - 7 ngày, chị thấy xuất hiện các nốt ban nhỏ, lấm tấm.

Người bán hàng nói sản phẩm đang phát huy tác dụng thải độc tố, như vậy mới tốt cho cơ thể, chị H. yên tâm sử dụng tiếp. Đến ngày thứ 18, trong miệng chị xuất hiện nhiều mụn nước, cơ thể mệt mỏi, sốt li bì, nhiều vết trợt ngoài da…

Chị H. đến Bệnh viện Da Liễu TP. HCM khám trong tình trạng cơ thể mệt, trên da xuất hiện các ban đỏ, bóng nước và vết trợt chiếm hơn 60% diện tích cơ thể, kèm tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi.

Y tế tuần qua: COVID-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A; Chưa tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi - Ảnh 2.

Một phần tổn thương trên cơ thể bệnh nhân H. (Ảnh: BVCC)

BSCK2 Nguyễn Trúc Quỳnh - Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP. HCM cho biết, bệnh nhân H. được chẩn đoán là hoại tử thượng bì nhiễm độc (hội chứng Lyell) do sử dụng thực phẩm chức năng. Trước tình trạng nguy hiểm trên, các bác sĩ đã tiến hành chăm sóc tích cực, điều trị corticoid liều cao, kháng sinh mạnh, bù điện giải, bù dinh dưỡng… Bên cạnh đó, còn hội chẩn toàn bệnh viện, chuyên khoa mắt, tai mũi họng, chuyên khoa bỏng để hỗ trợ chăm sóc tại chỗ cho bệnh nhân. Sau hơn 5 tuần điều trị tích cực, thương tổn da lành tốt, tình trạng ổn định.

Theo BS Nguyễn Trúc Quỳnh, hoại tử thượng bì nhiễm độc là một phản ứng dị ứng thuốc nặng. Nguyên nhân là do sự đáp ứng miễn dịch bất thường của cơ thể với một vài loại thuốc hoặc chất chuyển hóa trong thuốc.

Thời gian qua, Bệnh viện Da liễu TP. HCM đã tiếp nhận khá nhiều trường hợp dị ứng với thuốc, thực phẩm chức năng. Trong đó, nhiều trường hợp nặng phải nhập viện điều trị. Để tránh dị ứng, các bác sĩ khuyến cáo, không tùy tiện sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng. Chỉ dùng thuốc khi thật sự cần thiết và phải có chỉ định của bác sĩ.

Khi đang dùng thuốc hay thực phẩm chức năng, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, phát ban, nổi mề đay, khó thở hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngưng ngay thuốc đó và đến bệnh viện để được thăm khám. Khi đã bị dị ứng loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào đó thì tuyệt đối không dùng lại.

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Y tế tuần qua: COVID-19 vẫn là bệnh truyền nhiễm nhóm A; Chưa tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO