PLBĐ - Bà Đào Hồng Lan giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; Số ca mắc cúm A, sốt xuất huyết, viêm não tăng cao bất thường;... là những tin y tế nổi bật trong tuần qua.
Thủ tướng trao quyết định Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Đào Hồng Lan
Ngày 15/7, tại Bộ Y tế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Quyết định của Bộ Chính trị chỉ định giữ chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Y tế và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Bà Đào Hồng Lan sinh năm 1971, quê quán tỉnh Hải Dương. Tân lãnh đạo ngành Y tế từng trải qua các chức vụ: Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh.
Từ năm 1945 đến nay, Bộ Y tế đã trải qua 14 đời Bộ trưởng. Bà Đào Hồng Lan cũng là nữ Bộ trưởng Bộ Y tế thứ 3 tính từ năm 1945 đến nay sau bà Trần Thị Trung Chiến và bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Số ca mắc cúm A tăng cao bất thường ở một số tỉnh, thành phố phía Bắc
Một bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mới đây đã tiếp nhận cùng lúc 20 trường hợp là công nhân tại một khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội), có độ tuổi từ 20 đến 30, tới khám do có triệu chứng cúm giống nhau. Tất cả bệnh nhân này đều có biểu hiện sốt, đau họng, hắt hơi. Sau khi test nhanh, hầu hết đều cho kết quả dương tính với cúm A.
Qua khai thác thông tin, những người này cho hay trong khu công nghiệp nơi họ đang làm việc có rất nhiều trường hợp xuất hiện triệu chứng tương tự. Theo ước lượng của bệnh nhân, con số phải lên tới hàng trăm người. Sau đó cũng có hơn 10 trường hợp trẻ em là người thân của nhóm công nhân này, cũng với các biểu hiện của cúm A.
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khoảng 2 tuần gần đây, số lượng bệnh nhân cúm A tới khám tại bệnh viện tăng cao với tổng cộng gần 100 trường hợp. Trong số này, bệnh viện đã ghi nhận các trường hợp diễn biến nặng. Nhiều trường hợp xuất hiện tình trạng viêm phổi và đang phải theo dõi điều trị.
Tương tự tại Quảng Ninh, số người mắc cúm A cũng tăng đột biến. Bác sĩ CKI Hoàng Thị Thanh Hoa - Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, mùa hè không phải là thời điểm của dịch cúm A. Loại virus cúm này thường phát triển mạnh vào tháng 3, 4 hoặc tháng 9,10 ở điều kiện thời tiết lạnh, nồm, ẩm. Tuy nhiên, một tuần trở lại đây, Bệnh viện Bãi Cháy ghi nhận nhiều người dân mắc cúm A phải nhập viện điều trị. Số lượng bệnh nhân đang điều trị tại viện vì mắc cúm A tăng đột biến với khoảng từ 20-30 bệnh nhân.
Được biết, tác nhân gây bệnh chủ yếu là các chủng cúm A (cúm A H3N2, cúm A H1N1), ngoài ra còn do virus cúm B và cúm C. Các bệnh nhân trẻ tuổi cúm A thường có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, với người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, hô hấp, trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh có tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong cao hơn.
Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng cúm A sớm, khi dịch bệnh năm nay đến sớm hơn bình thường. Việc làm này giúp giảm bớt mức độ nặng của bệnh.
Trường hợp mắc viêm não, tay chân miệng gia tăng
Thống kê của Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 110 trường hợp mắc viêm não virus, trong đó có 3 người tử vong. Riêng 1 tháng qua, cả nước có tới 49 trường hợp mắc viêm não virus. Viêm não virus là bệnh nguy hiểm, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường có xu hướng tăng cao vào mùa hè. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi. Đây là căn bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu.
Bệnh viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của não do virus thuộc họ flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng, bệnh Zika… gây ra. Bệnh phổ biến vào mùa hè, thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và lây nhiễm nguồn bệnh. Triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, trẻ đang khỏe mạnh có thể sốt cao 39-40 độ C, kèm theo đó là đau đầu, buồn nôn, co giật, co cứng cơ và lú lẫn. Trẻ mắc viêm não Nhật Bản thường hôn mê sâu và phải thở máy. Ngay cả khi nguy cơ tử vong đã giảm nhưng di chứng bệnh vẫn ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ trong tương lai. Điều đáng lo ngại là những triệu chứng ban đầu của viêm não rất giống với các bệnh truyền nhiễm thông thường khác và chỉ được phát hiện bằng việc xét nghiệm nên hậu quả để lại nghiêm trọng.
Ngoài viêm não, số lượng trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám tại các bệnh viện đang có chiều hướng gia tăng. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM), cho biết, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, giai đoạn giao mùa là thời điểm thuận lợi nhất cho virus gây bệnh phát triển. Đa phần trẻ mắc tay chân miệng có diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong.
Bộ Y tế phân tuyến điều trị sốt xuất huyết
Theo Bộ Y tế, hiện nay dịch sốt xuất huyết Dengue đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc, 34 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (35.936/9) số mắc tăng 148%, tử vong tăng 25 trường hợp.
Dự báo số mắc sốt xuất huyết Dengue thời gian tới tiếp tục gia tăng cùng với đó số nhập viện, số ca nặng cũng tăng lên. Để chủ động trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh Dengue tới mức thấp nhất; Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, ngành nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện việc phân tuyến điều trị sốt xuất huyết Dengue.
Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ:
Mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời).
Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị).
Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu), mức độ này bao gồm: Sốc sốt xuất huyết Dengue; sốc sốt xuất huyết Dengue nặng; xuất huyết nặng; suy tạng nặng.
Bộ Y tế nêu rõ, trạm Y tế xã phường/thị trấn, phòng khám đa khoa, chuyên khoa Nội, Nhi, Bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (trừ các trường hợp xem xét chỉ định nhập viện điều trị tại mục A, điều trị sốt xuất huyết Dengue phần IV Quyết định 3705/QĐ-BYT ngày 22/8/2019 của Bộ Y tế).
Bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và Bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1.
Đối với mức độ 2, chỉ những bệnh viện đa khoa tư nhân đã được tập huấn điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo mới tiếp nhận.
Đối với mức độ 3, chỉ những bệnh viện đã được tập huấn, chuyển giao điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng tiếp nhận bệnh nhân.
Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, các bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và Bệnh viện đa khoa tư nhân điều trị chống sốc ban đầu, hội chẩn chuyển tuyến trên. Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng có suy tạng, xuất huyết thì sơ cứu, hội chẩn chuyển tuyến trên.
Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi, Sản-Nhi tuyến tỉnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân ở mức độ 1; mức độ 2 và mức độ 3.
Bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1, mức độ 2, mức độ 3.
3 địa phương ghi nhận ca nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5
Việt Nam hiện đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 (3 ca) và BA.5 (4 ca) của biến thể Omicron tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ.
Bộ Y tế đã tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tổ chức điều tra và giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 cũng như các biến thể khác. Qua báo cáo của hệ thống giám sát, biến thể phụ BA.2 vẫn là biến thể chủ đạo trong cộng đồng.
Trước đó, ngày 4/7, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, cơ quan y tế ghi nhận 4 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, gồm: 3 trường hợp có nhiễm biến thể phụ BA.4 (2 trường hợp tại TP. Hồ Chí Minh và 1 trường hợp tại TP. Cần Thơ) và 1 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5 tại TP. Hồ Chí Minh.
Đây là những mẫu bệnh phẩm tầm soát ngẫu nhiên từ ngày 13/6 - 22/6, là người dân Việt Nam trong cộng đồng, hiện có sức khỏe ổn định. Trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4 tại TP. Cần Thơ có tiền sử tiếp xúc người nhập cảnh từ Mozambique trước đó.
Theo các chuyên gia y tế, kháng thể bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 suy giảm theo thời gian; một số đối tượng chưa tiêm đủ liều vaccine làm tăng nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Do vậy, hệ thống giám sát, đáp ứng phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
T.H (th)