PLBĐ - Gia tăng ca COVID-19 nặng, tử vong; Bộ Y tế đề nghị nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế xã phường, nhân viên y tế dự phòng;... là những tin y tế nổi bật trong tuần qua.
Bệnh nhân COVID-19 có xu hướng tăng, đặc biệt ca nặng tăng lên rõ rệt
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 đang có chiều hướng gia tăng số ca mắc trên thế giới và tại Việt Nam. Trong nước ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến thể Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh.
Sáng 19/8, Tổ chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID-19 (Bộ Y tế) cũng đã họp để đánh giá, rút kinh nghiệm trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng số ca bệnh chuyển nặng, nguy kịch và tử vong.
TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, trong một tháng qua, cả nước đã có hơn 45.000 ca mắc mới, trung bình 2.000 ca/ngày, riêng ngày 18/8 đã có gần 3.300 ca. Xu hướng gia tăng ca mắc COVID-19 đã hiện rõ.
Cục đã chỉ đạo các cơ sở sàng lọc, phân luồng và thu dung điều trị theo Quyết định 1226, các khoa lâm sàng, khoa truyền nhiễm tiếp nhận các ca nghi nhiễm, không tổ chức bệnh viện dã chiến. Hiện một số địa phương có kế hoạch kích hoạt lại bệnh viện dã chiến như TP. HCM.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), trong tháng 8 có hơn 230 bệnh nhân nhập viện, trong đó 46% là người trên 65 tuổi; có 3 ca tử vong. Hiện Bệnh viện điều trị 123 ca, trong đó có 26 ca thở máy, một ca đặt ECMO.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM), từ ngày 18/7 đến ngày 17/8, có 32 bệnh nhân COVID-19 điều trị, đa phần nhập viện trong tháng 8. Trong đó có 19 bệnh nhân nặng/nguy kịch, 6 người tử vong.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn báo cáo của các Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho thấy, bệnh nhân COVID-19 có xu hướng tăng, đặc biệt bệnh nhân nặng tăng lên rõ rệt trong những ngày đầu tháng 8. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các cơ sở cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Hội đồng chuyên môn tập huấn cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 cũng như theo dõi, xử trí đối với các ca từ nhẹ chuyển nặng, hạn chế tử vong.
Hiện các trường hợp nặng và tử vong chưa tiêm vaccine chiếm tỷ lệ 23-25% ở các tuyến, tại BV Chợ Rẫy, tỷ lệ tử vong do không tiêm vaccine là 50%. Vì thế, Thứ trưởng Sơn yêu cầu các địa phương rà soát, lập danh sách quản lý, theo dõi và tiêm vaccine cho người có tuổi, mắc bệnh nền đúng thời gian để đảm bảo hiệu lực của vaccine.
Với những biến chủng mới, Thứ trưởng đề nghị các bệnh viện phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur… giải trình tự gen để theo dõi biến thể, biến chủng đối với bệnh nhân nặng và tử vong.
Các địa phương cũng cần đánh giá lại các nguồn lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, nhân lực chuẩn bị cho 4 tại chỗ. Bộ Y tế hiện chưa yêu cầu các địa phương thành lập bệnh viện dã chiến, mô hình bệnh viện tách đôi vẫn phù hợp.
Bộ Y tế đề xuất nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế xã, phường
Bộ Y tế cho biết, Bộ vừa trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011, quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức, viên chức công tác tại các các cơ sở y tế công lập.
Tại dự thảo, Bộ Y tế đề sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP như sau:
Sửa đổi Khoản 4:
Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này.
Bổ sung Khoản 7:
Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc TƯ và BV tuyến huyện.
Theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP, phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính theo tỷ lệ % trên mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.
Theo đó, mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc: Xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.
Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc: Khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm; xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm; Kiểm dịch y tế biên giới.
Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.
Cũng tại Nghị định 56, cán bộ y tế dự phòng được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề là 40%; các cán bộ, viên chức trạm y tế xã/phường được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 30-40%.
Việt Nam ghi nhận biến thể phụ BA.2.74 của Omicron
Chiều ngày 17/8, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết hiện nay, dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trên thế giới, biến thể Omicron đang chiếm ưu thế so với các biến thể khác; trong đó đã ghi nhận các biến thể phụ như BA.4, BA.5, mới nhất là các biến thể dòng phụ thế hệ thứ hai của biến thể Omicron như BA.2.74, BA.2.75, BA.2.76, các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so BA.4, BA.5,với biến thể gốc và có thể làm gia tăng số ca mắc trở lại.
Tại Việt Nam, biến thể phụ mới BA.2.74 được ghi nhận lần đầu tiên tại báo cáo số 2233/BVBM-KHTH ngày 8/8/2022 của Bệnh viện Bạch Mai. Như vậy, trong nước đã ghi nhận biến thể phụ lây lan nhanh như BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1.
Để tiếp tục chủ động phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả trong thời gian tới, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tuân thủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo đầy đủ các trường hợp mắc COVID-19 (bệnh truyền nhiễm nhóm A) ngay sau khi có chẩn đoán đảm bảo trong vòng 24 giờ theo quy định về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để kịp thời để báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ.
28.000 ống thuốc chống đông máu trong mổ tim về Việt Nam
Chiều 17/8, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết đã nhận được báo cáo về việc nhập khẩu được 28.000 ống thuốc tiêm Prosulf 10 mg/ml (chứa hoạt chất Protamin sulfat) để cung ứng cho nhu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Protamin sulfat nằm trong danh mục thuốc hiếm, thuộc nhóm chống đông. Đây là mặt hàng không thể thiếu trong quy trình phẫu thuật tim, lồng ngực. Do vậy, Cục Quản lý Dược khuyến cáo các cơ sở khám, chữa bệnh cần chủ động dự trù, liên hệ và phối hợp với cơ sở nhập khẩu để chủ động đặt hàng. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế thực hiện các thủ tục cần thiết cho việc nhập khẩu thuốc, đảm bảo nguồn cung, tránh thiếu hụt.
Trước đó, nhiều nguồn tin đã phản ánh về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung ứng thuốc chứa hoạt chất Protamin sulfat tại một số cơ sở khám, chữa bệnh.
Ngày 14/8, cơ quan này đã có công văn đề nghị các bệnh viện chủ động liên hệ kịp thời với đơn vị nhập khẩu Protamin sulfat để đặt hàng, mua sắm.
Cục cũng yêu cầu các cơ sở nhập khẩu khẩn trương tổng hợp toàn bộ dự trù của các bệnh viện để lập kế hoạch, ký hợp đồng sớm với đơn vị sản xuất, cung ứng; phối hợp với cơ sở khám, chữa bệnh có nhu cầu để lập hồ sơ, đơn hàng nhập khẩu.
Cục Quản lý Dược cũng nhận định đây là mặt hàng không thể thiếu trong quy trình phẫu thuật tim - lồng ngực. Do đó, cục đề nghị các sở y tế, bệnh viện, cơ sở nhập khẩu nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của cục, đồng thời báo cáo về kế hoạch nhập khẩu, nguy cơ, tình trạng thiếu cũng như số lượng thuốc nhập khẩu trong thời gian tới.
T.H (th)