Bé trai 11 tuổi suýt mất mạng vì vết thương nhỏ ở lòng bàn chân

Thanh Hải 07/05/2019 11:04

Do sơ ý, bé trai bị dây kẽm gai đâm thấu lòng bàn chân. Sau đó vài ngày, cháu bé đã phải nhập viện trong tình trạng co gồng toàn thân, cứng hàm, tri giác lơ mơ, bác sĩ xác định bệnh nhi bị nhiễm uốn ván.

Đó là trường hợp bệnh nhi Nguyễn Văn Kiệt (11 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TPHCM). Cháu được chuyển đến bệnh viện ngày 29/4 trong tình trạng co gồng, cứng hàm, khó thở. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người nhà ghi nhận, trước nhập viện ít ngày, bệnh nhi đi nhặt ve chai cùng ba. Do sơ ý, cháu bị dây kẽm gai đâm thấu lòng bàn chân.

y-te-2-1557131881689
Vài ngày sau khi bị kẽm gai đâm thấu bàn chân, cậu bé lên cơn co gồng, cứng hàm.

“Thấy vết thương của con chảy máu nhiều, tôi mua băng cá nhân dán lại. Nhiều người nói đưa bé đi chích ngừa nhưng tôi nghĩ vết thương có chút xíu ít ngày sẽ khỏi. Không ngờ vài ngày sau bé bị co gồng, cứng hàm, ăn uống khó… đến bệnh viện địa phương, bác sĩ xác định tình trạng bệnh rất nặng nên chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới điều trị” – anh Nguyễn Văn Hùng, ba của bệnh nhi cho hay.

Theo BS Trần Kim Hùng, người trực tiếp điều trị bệnh nhi: “Cơ thể bé Kiệt chưa có kháng thể ngừa uốn ván, người mẹ khi mang thai không chích ngừa, bé sau khi sinh đến nay cũng chưa chích ngừa uốn ván. Cơ thể không được bảo vệ nên sau khi bị vết thương ở lòng bàn chân, vi trùng gây bệnh uốn ván đã tấn công”.

y-te-1-1557131881639
Bệnh nhi may mắn qua được nguy kịch sau khi bác sĩ điều trị tích cực.

Bệnh nhi được điều trị tích cực bằng kháng sinh, sử dụng thuốc chống gồng giật, vệ sinh vết thương, cắt lọc hoại tử. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đang có diễn tiến tích cực, tránh được các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhi cần phải theo dõi, điều trị khoảng 2 tuần nữa mới có thể xuất viện.

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn (Clostridium tetani) gây ra. Nha bào uốn ván ngoài môi trường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ. Bệnh có thể khởi phát bằng triệu chứng cứng hàm (không há miệng to được). Sau đó tình trạng co cứng các cơ tăng dần, thường là cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, đôi khi co cứng ở vùng bị thương.

Bệnh nhân uốn ván cũng bị co thắt vùng khí quản gây khó thở, cần phải mở khí quản hỗ trợ hô hấp bằng thở máy. Để giải quyết tình trạng co thắt và co giật cơ toàn thân liên tục, các bệnh nhân nặng được điều trị thuốc an thần mạnh phối hợp với các thuốc giãn cơ.

Những trường hợp bệnh uốn ván thể nặng bệnh nhân nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm như “rối loạn thần kinh thực vật” biểu hiện bởi hiện tượng rối loạn nghiêm trọng về nhịp tim (lúc rất nhanh, lúc lại rất chậm), huyết áp (lúc tăng cao, lúc hạ thấp), và nhiệt độ cơ thể (có thể tăng cao liên tục 40 - 410C), dẫn đến tử vong.

Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, bệnh uốn ván có thể tấn công mọi lứa tuổi nếu người bệnh chưa có kháng thể bảo vệ. Chủ động phòng ngừa để tránh nguy cơ mắc bệnh là giải pháp hiệu quả để bảo vệ bản thân. Những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần chích ngừa uốn ván trước khi mang thai, trẻ sinh ra cần chích uốn ván theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Sau tiêm chủng, trẻ em và người trưởng thành, mỗi 5 đến 10 năm cần tiến hành chích nhắc uốn ván.

Trường hợp chẳng may giẫm phải đinh, cơ thể có vết thương hở, trầy xước… khi xử lý vết thương cần đảm bảo vệ sinh, loại bỏ hết dị vật. Nếu không lưu sổ chích ngừa hoặc không nhớ được lịch tiêm uốn ván, ngay sau khi có vết thương, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được chích ngừa, tránh nguy hiểm có thể xảy ra.

(Theo Vân Sơn/Dân Trí)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bé trai 11 tuổi suýt mất mạng vì vết thương nhỏ ở lòng bàn chân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO