Bị cảm cúm khi giao mùa, đừng làm những điều này nếu không muốn bệnh nặng thêm

21/11/2024 17:21

Thông thường, người bị cảm cúm sẽ hồi phục trong vòng 3-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể kéo dài hơn ở người bệnh có miễn dịch kém hoặc có bệnh nền, thậm chí có biến chứng nếu điều trị sai cách.

Thời điểm hiện tại, thời tiết miền Bắc thay đổi thất thường, ngày nóng, đêm lạnh kết hợp với tiết trời hanh khô là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển.

Một số bệnh điển hình trong thời điểm này như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh viêm da dị ứng, bệnh sởi, viêm não Nhật Bản, các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh, hen suyễn, viêm phổi…

Bị cảm cúm khi giao mùa, đừng làm những điều này nếu không muốn bệnh nặng thêm - Ảnh 1.
Cảm cúm là bệnh hay gặp khi giao mùa thu đông. Ảnh minh họa.

Trong đó, cảm cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp rất hay gặp trong thời điểm giao mùa thu đông. Các biểu hiện của bệnh như: Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Triệu chứng ho thường nặng và kéo dài. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, nhất là ở trẻ em.

Thông thường người bệnh sẽ hồi phục trong vòng 3-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể kéo dài hơn nếu người bệnh có miễn dịch kém hoặc có bệnh nền.

Biến chứng thường gặp nhất của cảm cúm là viêm phổi, viêm màng não, bội nhiễm vi khuẩn. Nặng hơn, bệnh cúm có thể gây ra biến chứng suy hô hấp đặc biệt nguy hiểm với những người có bệnh mạn tính như hen suyễn, phổi tắc nghẹn mãn tính, tim mạch, đái tháo đường…

Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cũng là những đối tượng có nguy cơ gặp biến chứng khi mắc cúm.

Làm gì khi bị cảm cúm?

Theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khi bị cảm cúm, người bệnh cần cách ly với những người không bị mắc bệnh sống trong gia đình càng nhiều càng tốt, ít nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng biểu hiện. Điều này sẽ hạn chế được nguy cơ lây nhiễm cúm cho người thân, nhất là những người có sức đề kháng yếu và dễ lây nhiễm cúm như người già, trẻ em, người có sức khỏe không ổn định.

Bên cạnh đó, nên ở nhà cách ly để khỏi lây nhiễm cảm cúm cho người khác, trường hợp bắt buộc phải ra khỏi nhà, bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế và che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn các chất tiết hô hấp nhằm tránh nguy cơ lây bệnh cảm cúm cho những người khác.

Hằng ngày, người bệnh bị cảm cúm nên nhỏ mũi bằng thuốc sát khuẩn và uống 1 ly tỏi băm nhuyễn pha nước ấm; cần ăn thực phẩm lỏng, nóng, dễ tiêu, uống nhiều nước (oresol, nước quả tươi, cháo giải cảm, nước chanh tươi ấm pha mật ong…), nhất là với người cao tuổi và trẻ em.

Bệnh nhân có thể tự xông tại nhà bằng các loại lá như lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, kinh giới, bạc hà, lá sả, húng quế… để thông mũi, giải cảm, toát mồ hôi độc ra ngoài và tạo cảm giác dễ chịu, thư giãn cho cơ thể người bệnh.

Nếu các triệu chứng của cảm cúm kéo dài hơn một tuần, bệnh nhân sốt cao kéo dài, sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường không đỡ, ho nhiều, tức ngực, khó thở, đau nhức, mệt mỏi tăng thì nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời.

Những việc cần hạn chế làm khi bị cảm cúm

Cũng theo các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân bị cảm cúm cần được nghỉ ngơi, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, không nên nằm phòng máy lạnh vì sẽ khiến bệnh cảm cúm khó thuyên giảm và làm cho các triệu chứng khan cổ, khàn tiếng trầm trọng thêm.

Bên cạnh đó, khi bị cảm cúm, nên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo. Bởi thực phẩm chế biến sẵn không đảm bảo an toàn vệ sinh, các chất dinh dưỡng có trong những thực phẩm này cũng bị giảm đi trong quá trình chế biến. Điều này không tốt cho quá trình hồi phục của người bệnh. 

Bị cảm cúm khi giao mùa, đừng làm những điều này nếu không muốn bệnh nặng thêm - Ảnh 2.
Người bị cảm cúm nên hạn chế rượu, bia và các chất kích thích để tránh làm bệnh nặng hơn. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, rượu và các đồ uống có gas là thực phẩm nên tránh khi bị cảm cúm. Nguyên nhân là do những loại đồ uống này không những khiến cơ thể dễ bị mất nước hơn mà còn khiến hệ miễn dịch suy yếu nên sẽ làm cho người bị cúm lâu hồi phục.

Mặt khác, cà phê, thuốc lá và các sản phẩm chứa chất kích thích khác cũng là thứ cần tránh xa khi mắc cảm cúm vì chúng sẽ khiến các cơn ho, cơn đau họng tăng lên nhiều hơn.

Đặc biệt lưu ý, không sử dụng kháng sinh khi bị cảm cúm vì cảm cúm là bệnh do virus gây ra và không thể chữa khỏi bằng kháng sinh. Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như viêm xoang, viêm họng, nhiễm trùng tai, da và đường tiết niệu. 

Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết sẽ làm tăng nguy cơ gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh về lâu dài. Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, dùng thuốc kháng sinh trị cảm cúm có thể khiến bạn ốm nặng hơn hoặc khiến bệnh kéo dài hơn.

Cách phòng ngừa cảm cúm

Để phòng ngừa cảm cúm trong thời điểm giao mùa, các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên súc miệng bằng nước muối ấm hay nước súc miệng chuyên dụng có thể làm giảm đau họng.

Tạo thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc gel diệt khuẩn, dùng khăn giấy để che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, vứt tất cả khăn giấy sau khi sử dụng xong.

Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng khoa học để tăng cường sức đề kháng tự nhiên của cơ thể, chống lại bệnh cúm bằng nhiều cách: Uống nhiều nước, ăn nhiều các rau củ quả giàu vitamin C như ổi, cam, dâu tây, kiwi, đu đủ, súp lơ… Tập thể dục thể thao thường xuyên.

Ngoài ra, tiêm phòng vaccine cúm nhất là cho trẻ em cũng là phương pháp hữu hiệu giúp phòng ngừa mắc cúm trong bối cảnh các bệnh về đường hô hấp đang gia tăng như hiện nay.

Lưu ý đối với người chăm sóc bệnh nhân bị cảm cúm:

- Cần đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc với người cảm cúm, nhỏ mũi thuốc sát khuẩn, thường xuyên rửa tay sau và trước khi tiếp xúc với bệnh nhân bằng nước rửa tay diệt khuẩn.

- Chú ý bồi dưỡng thêm chất bổ để đảm bảo sức khỏe khi chăm người bệnh cảm cúm, nên ăn thêm gia vị làm ấm cơ thể và có tính kháng khuẩn (như hành, tỏi, gừng…), ăn nhiều rau quả trái cây tươi chứa nhiều vitamin C (chanh, cam, quýt…) để tăng cường sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh cảm cúm.

- Đồ dùng của người cảm cúm (như bát, đũa, thìa, cốc, chén…) hằng ngày nên luộc sôi, tốt nhất là nên dùng riêng, không ôm áo quần bẩn của người bệnh vào người.

- Tuyệt đối không ăn thức ăn thừa của người bị cảm cúm.

- Khăn giấy của bệnh nhân cảm cúm đã sử dụng nên để trong túi và xử lý với các loại rác thải khác.

- Khi thấy dấu hiệu của bị cảm cúm như: sổ mũi, nhức đầu, đau mình mẩy, mắt đỏ, gai gai rét, phải cách ly và khám, điều trị ngay.


Theo giadinh.suckhoedoisong.vn
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/bi-cam-cum-khi-giao-mua-dung-lam-nhung-dieu-nay-neu-khong-muon-benh-nang-them-172241121153942803.htm
Copy Link
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/bi-cam-cum-khi-giao-mua-dung-lam-nhung-dieu-nay-neu-khong-muon-benh-nang-them-172241121153942803.htm
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bị cảm cúm khi giao mùa, đừng làm những điều này nếu không muốn bệnh nặng thêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO