Ngay cả các loại rau củ quả cũng có nguy cơ chứa hạt vi nhựa, đặc biệt là táo và cà rốt.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Môi trường, 90% mẫu protein động vật và thực vật được xét nghiệm dương tính với hạt vi nhựa là các mảnh polymer nhỏ có kích thước dưới 5mm.
Các nhà khoa học đã xem xét hơn một chục loại protein được tiêu thụ phổ biến. Tôm tẩm bột chứa nhiều hạt vi nhựa bậc nhất. Các loại protein ít nhựa nhất là ức gà, tiếp theo là thăn lợn và đậu phụ.
Mức phơi nhiễm trung bình của người Mỹ trưởng thành là 11.000 tới 29.000 hạt vi nhựa mỗi năm, mức tối đa là 3,8 triệu hạt. Các đại dương chứa đầy nhựa dẫn tới hạt vi nhựa tồn tại trong hải sản.
Muối chứa một lượng hạt vi nhựa đáng kể. Ảnh minh họa: Medical News Today
Rau quả hấp thụ hạt vi nhựa qua rễ và chuyển đến thân, lá, hạt và quả. Trong đó, táo và cà rốt bị ô nhiễm nhất với hơn 100.000 hạt vi nhựa mỗi gram.
Muối có thể chứa rất nhiều hạt vi nhựa. Nghiên cứu năm 2023 cho thấy muối hồng Himalaya thô khai thác từ lòng đất có nhiều hạt vi nhựa nhất, tiếp theo là muối đen và muối biển. Đường cũng là thực phẩm khiến con người tiếp xúc với vi nhựa.
Gạo cũng không phải ngoại lệ. Nghiên cứu của Đại học Queensland (Australia) cho thấy trong 100g gạo có 3-4mg nhựa. Tuy nhiên, bạn có thể giảm 40% mức nhựa trên bằng cách vo gạo.
Bạn cũng đừng quên nước đóng chai, một lít nước chứa trung bình 240.000 hạt nhựa từ 7 loại nhựa, bao gồm cả nhựa nano.
Nguy hiểm đối với sức khỏe con người
Theo CNN, những người có hạt vi nhựa hoặc nhựa nano trong động mạch ở cổ có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ hoặc tử vong vì bất kỳ nguyên nhân nào trong ba năm tới cao gấp đôi.
Các chuyên gia cho biết, nhựa nano là thành phần đáng lo ngại nhất đối với sức khỏe con người.
Các hạt cực nhỏ có thể xâm chiếm từng tế bào và mô trong các cơ quan, có khả năng làm gián đoạn quá trình phát triển tế bào và lắng đọng những hóa chất gây rối loạn nội tiết như bisphenol, phthalate, PFAS, kim loại nặng…
Sherri Mason, Giám đốc bền vững tại trường Penn State Behrend (Mỹ), cho biết: “Những hóa chất đó đều được sử dụng trong sản xuất nhựa. Khi xâm nhập vào cơ thể chúng ta, nhựa sẽ mang hóa chất đó đến gan, thận, não, thậm chí cả thai nhi”.
Bạn nên hạn chế đồ dùng nhựa. Ảnh minh họa: Yeditepe
Những cách để giảm thiểu nhựa
Bà Mason cho biết từ lâu, các chuyên gia đã khuyên nên uống nước từ bình thủy tinh hoặc thép không gỉ. Điều này cũng áp dụng cho các loại thực phẩm và đồ uống khác được đóng gói.
“Giống như tình trạng bong da, nhựa cũng liên tục bong thành những mảnh nhỏ như khi bạn mở hộp nhựa đựng salad mua ở cửa hàng hoặc bọc nhựa đựng phô mai”, vị chuyên gia giải thích.
Các chuyên gia đưa ra một số cách giảm mức độ tiếp xúc với nhựa:
- Cố gắng tránh ăn bất cứ thứ gì đựng trong hộp nhựa. Chọn thực phẩm bảo quản trong thủy tinh, gốm sứ hoặc giấy bạc.
- Mặc quần áo làm từ vải tự nhiên, mua các sản phẩm tiêu dùng làm từ chất liệu tự nhiên.
- Không cho đồ nhựa trong lò vi sóng, sử dụng đồ thủy tinh chuyên dụng.
- Nếu có thể, hãy ăn càng nhiều thực phẩm tươi sống càng tốt, hạn chế mua đồ đã qua chế biến và siêu chế biến được bọc trong nhựa.
Theo VietNamnet