Nội dung bài viết trình bày các trường hợp giải thể Quỹ hợp tác xã theo quy định pháp luật hiện hành. Theo đó là các quy định pháp luật liên quan.
Các trường hợp giải thể Quỹ hợp tác xã theo quy định mới nhất (Hình ảnh từ Internet)
Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 45/2021/NĐ-CP thì Quỹ hợp tác xã hoặc Quỹ” quy định tại Nghị định này được hiểu là Quỹ hợp tác xã trung ương và Quỹ hợp tác xã địa phương
Tại Điều 46 Nghị định 45/2021/NĐ-CP thì Quỹ hợp tác xã giải thể khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Quỹ hợp tác xã địa phương không có đủ vốn điều lệ tối thiểu theo quy định tại Điều 37 và điểm c khoản 5 Điều 58 Nghị định 45/2021/NĐ-CP.
- Quỹ hợp tác xã bị các cơ quan có thẩm quyền quy định tại Nghị định 45/2021/NĐ-CP đánh giá xếp loại C trong 05 năm liên tiếp theo quy định tại Nghị định 45/2021/NĐ-CP và tỷ lệ giá trị dư nợ cho vay (không bao gồm các khoản nhận ủy thác cho vay) trên vốn chủ sở hữu thấp hơn 20% trong 05 năm liên tiếp.
- Tỷ lệ nợ xấu của Quỹ hợp tác xã trên tổng dư nợ cho vay cao hơn 50% vốn điều lệ thực có của Quỹ trong 05 năm liên tiếp.
- Lũy kế chênh lệch thu chi âm lớn hơn hoặc bằng 75% số vốn điều lệ thực có của Quỹ hợp tác xã trong 05 năm liên tiếp.
- Các trường hợp giải thể khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với Quỹ hợp tác xã trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đại hội thành viên đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã.
Theo Điều 47 Nghị định 45/2021/NĐ-CP quy định thẩm quyền quyết định giải thể Quỹ hợp tác xã như sau:
- Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ:
+ Đối với Quỹ hợp tác xã trung ương: Trên cơ sở đề xuất của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc giải thể Quỹ hợp tác xã trung ương theo quy định tại Nghị định 45/2021/NĐ-CP và quy định pháp luật liên quan;
+ Đối với Quỹ hợp tác xã địa phương: Trên cơ sở đề xuất của Liên minh hợp tác xã cấp tỉnh, ý kiến tham gia của Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua, phê duyệt chủ trương giải thể trước khi ban hành Quyết định giải thể Quỹ hợp tác xã địa phương theo quy định tại Nghị định 45/2021/NĐ-CP và quy định pháp luật liên quan.
- Đối với Quỹ hợp tác xã địa phương hoạt động theo mô hình hợp tác xã: Việc quyết định giải thể Quỹ hợp tác xã thực hiện theo quy định tại Luật Hợp tác xã 2023 và quy định pháp luật có liên quan.
Theo Điều 48 Nghị định 45/2021/NĐ-CP quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể Quỹ hợp tác xã như sau:
- Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ: Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể Quỹ hợp tác xã thực hiện theo quy định như đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Đối với Quỹ hợp tác xã hoạt động theo mô hình hợp tác xã: Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải thể Quỹ hợp tác xã thực hiện theo quy định như đối với hợp tác xã.