Cô gái mắc ung thư vú gần như khỏi bệnh hoàn toàn nhờ được phát hiện khối ung thư trong giai đoạn sớm (giai đoạn 2). Bác sĩ khuyến cáo việc khám sàng lọc đóng vai trò rất quan trọng.
Nghĩ mình còn trẻ, sức khỏe bình thường nên N.T.T., 29 tuổi (ở Hà Nội) thường không đi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chị T. phát hiện thấy khối u bất thường bên ngực trái, to dần lên, hơi đau nên mới đến bệnh viện kiểm tra.
Qua thăm khám cùng các kết quả lâm sàng, ThS.BS Lê Văn Long, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết bệnh nhân được chẩn đoán có khối u bên vú trái. Sau khi làm sinh thiết, bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư vú.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và cắt toàn bộ tuyến vú, vét hạch nách (khi phẫu thuật tiết kiệm da bảo tồn quầng vú) cho bệnh nhân. Sau đó, chị T. được phẫu thuật tạo hình lại vú trái bằng vạt DIEP (toàn bộ tổ chức da và mỡ thừa ở vùng bụng) để che lấp lại vùng khuyết hổng ở tuyến vú đã phẫu thuật.
Bên vú đã phẫu thuật sau khi tạo hình rất cân đối và có thể đạt tới 90% so với bên vú còn lại. Hiện nay, tình trạng bệnh nhân ổn định, gần như khỏi bệnh hoàn toàn.
Qua trường hợp này, bác sĩ cho biết sự không may đó cũng có phần may mắn là bệnh nhân được phát hiện khối ung thư trong giai đoạn sớm (giai đoạn 2). Bác sĩ khuyến cáo việc khám sàng lọc đóng vai trò rất quan trọng.
Hiện nay, tỷ lệ khám sức khỏe định kỳ ở Việt Nam khá thấp, đặc biệt trên nhóm đối tượng trẻ. "Họ thường nghĩ trẻ thì ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ bệnh nhân ung thư vú có xu hướng trẻ hóa, có bệnh nhân khoảng ngoài 20 tuổi đã mắc K vú", bác sĩ Long cho biết.
Triệu chứng đau tức ngực, cương tức tuyến vú trong thai kỳ hoặc trong những ngày hành kinh được cho là bình thường. Tuy nhiên, nếu những triệu chứng này xuất hiện trong cả những ngày bình thường và cơn đau kéo dài, tăng dần khi đến kỳ kinh nguyệt thì bạn nên đi khám, siêu âm và chiếu chụp cộng hưởng từ vú để kiểm tra tuyến vú của mình.
Nếu bạn cảm thấy vú to lên bất thường, 2 bên vú không tương xứng hay thường xuyên cảm thấy cương cứng thì bạn nên cẩn thận. Rất có thể đây là một dấu hiệu của ung thư vú.
Hàng tháng sau khi hết kinh, nhiều người có thể sờ thấy một "khối lạ" ở tuyến vú của mình. Những u này có thể là lành tính và cũng có thể là ác tính. Đây là bước rất quan trọng vì rất nhiều trường hợp ung thư vú được phát hiện sớm qua việc tự khám vú hàng tháng và chụp vú, siêu âm vú kết hợp khi có nghi ngờ.
Khi khám vú bạn cũng có thể kiểm tra vùng hố nách nếu có khối bất thường bạn cũng nên khám chuyên gia ngay. Hạch nách có thể do nhiều nguyên nhân nhưng cũng có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư vú. Có khá nhiều trường hợp ung thư vú được chẩn đoán khi người bệnh phát hiện tình cờ hạch hố nách.
Một số thay đổi da vùng vú như: đỏ, sưng dưới dạng sần da cam... bạn nên đi khám ngay vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú đã vào giai đoạn muộn, hư vú.
Một số người phụ nữ bình thường có triệu chứng tụt núm vú bẩm sinh. Tuy nhiên, nếu núm vú của bạn đột nhiên bị tụt hẳn vào trong, kèm theo biểu hiện cứng và không kéo ra được như bình thường, vùng da bị co rút, nhăn nheo và có thể xuất hiện các hạt nhỏ ở quầng vú xung quanh núm vú, chảy dịch bất thường ở núm vú... thì bạn nên đi gặp bác sỹ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị sớm.
Hiện nay, không có một loại thực phẩm hay chế độ ăn có thể ngăn chặn ung thư vú. Tuy nhiên bạn cần lựa chọn một chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học giúp cơ thể bạn khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở mức thấp nhất có thể.
Phụ nữ tập thể dục hơn 4 tiếng mỗi tuần được ghi nhận có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn phụ nữ không tập thể dục. Hiệu quả của việc tập thể dục trong việc làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú được ghi nhận rõ rệt ở phụ nữ tiền mãn kinh có cân nặng bình thường hoặc thấp.
Tự khám vú là việc làm quan trọng giúp phát hiện sớm ung thư vú nhờ sớm nhận ra những dấu hiệu bất thường xuất hiện ở vú.
Việc kiểm tra vú hoàn toàn có thể tự thực hiện tại nà và định kỳ mỗi tháng bạn nên kiểm tra 1 lần, thường là vào ngày thứ 7 – 10 của chu kỳ kinh (Ngày 1 của chu kỳ kinh = ngày bắt đầu thấy kinh) vì ở thời điểm này phần vú mềm nhất, bạn sẽ dễ dàng tự khám để phát hiện bất thường.