Quét mã QR để thanh toán trên điện thoại thông minh ngày càng phổ biến ở Việt Nam, nhưng các quốc gia Đông Nam Á còn phát triển mạnh mẽ hơn cả.
Thanh toán bằng cách quét mã QR trên điện thoại thông minh đang phát triển nhanh chóng ở Đông Nam Á, nơi các quốc gia như Malaysia và Campuchia đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng giao dịch.
Thanh toán QR bắt đầu lan rộng ở khu vực cách đây vài năm, bắt nguồn từ các lý do như tỷ lệ người dân sở hữu tài khoản ngân hàng thấp, mạng lưới ATM khan hiếm ở các vùng nông thôn và sự xuất hiện của điện thoại thông minh giá rẻ. Xu hướng này lan rộng một phần nhờ vào sự ra đời của các dịch vụ du lịch và liên kết xuyên biên giới.
Tại Campuchia, theo ngân hàng trung ương, thanh toán QR đã tăng 29% vào năm 2023 lên khoảng 601 triệu giao dịch, tăng gấp 10 lần chỉ trong ba năm.
Tháng trước, Ngân hàng Quốc gia Campuchia, đã ra mắt hệ thống thanh toán di động Bakong Tourists, cho phép du khách thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt và khuyến khích sử dụng đồng riel Campuchia.
Bakong Tourists được xây dựng trên hệ thống thanh toán kỹ thuật số Bakong ra mắt vào năm 2020 và được biết đến rộng rãi như một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Các khoản thanh toán Bakong được thực hiện bằng mã QR thống nhất chung của đất nước, có tên là KHQR.
"Đối với các khoản thanh toán KHQR, chúng tôi có tới 3,3 triệu địa điểm thanh toán trên toàn quốc. Tại Phnom Penh và Siem Reap, cả những người bán hàng rong và nhỏ lẻ cũng chấp nhận mã QR", Thống đốc Chea Serey phát biểu tại lễ ra mắt Bakong Tourists tại Siem Reap.
Bakong Tourists "là ý tưởng hay để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh toán của khách du lịch", Sam Nang, hướng dẫn viên du lịch 37 tuổi ở Siem Reap, nơi nổi tiếng với di sản thế giới Angkor Wat, nói với Nikkei Asia.
Tại Malaysia, DuitNow QR, được Payments Network Malaysia, còn gọi là PayNet, ra mắt vào năm 2019, đã nhanh chóng trở thành nền tảng của hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số. Theo ngân hàng trung ương, Bank Negara Malaysia, trong sáu tháng đầu năm nay đã có 1,5 tỷ giao dịch, tổng cộng 1,37 tỷ ringgit (320 triệu USD) - tăng lần lượt 64% và 37% so với cùng kỳ năm trước.
DuitNow QR có thể được sử dụng thay thế cho các hệ thống ở các quốc gia ASEAN khác. Ví dụ, người dùng Malaysia có thể quét mã QR từ QRIS của Indonesia, NETS của Singapore, PromptPay của Thái Lan hoặc Alipay của Trung Quốc để thanh toán ở nước ngoài và du khách quốc tế đến Malaysia cũng có thể quét mã QR DuitNow tại đó.
"Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác khu vực để tăng cường khả năng hiển diện bằng cách tiếp tục xây dựng nhiều kênh xuyên biên giới hơn để tương tác mã QR", giám đốc điều hành của PayNet, Farhan Ahmad, nói với Nikkei Asia. "Chúng tôi cũng tập trung vào các thương gia nhỏ và khách du lịch. PayNet hướng đến mục tiêu trở thành cách an toàn nhất và tốt nhất để giao dịch".
Ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia áp dụng sớm các hình thức thanh toán kỹ thuật số. Ra mắt vào năm 2017, PayNow đã trở thành cơ sở hạ tầng thiết yếu, cho phép chuyển tiền theo thời gian thực 24/7. Hệ thống đã xử lý 437 triệu giao dịch với tổng giá trị 157 tỷ đô la Singapore (120 tỷ USD) vào năm 2023, tăng 41% và 28% so với một năm trước đó, theo Hiệp hội Ngân hàng Singapore.
Vào tháng 4/2021, hiệp hội đã liên kết PayNow với PromptPay của Thái Lan, cho phép khách hàng bán lẻ của các ngân hàng từ cả hai quốc gia gửi tiền qua biên giới một cách an toàn. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, các hệ thống thanh toán tức thời tương tự được liên kết quốc tế.
Ngày nay, PayNow cũng trở thành cơ sở hạ tầng cho các công ty khởi nghiệp và dịch vụ tài chính mới nổi, với tổng cộng 27 ngân hàng truyền thống và công ty công nghệ tài chính tham gia, bao gồm cả công ty gọi xe và giao đồ ăn Grab.
Ngân hàng Thái Lan thời gian gần đây cũng mở rộng phạm vi hoạt động của PromptPay sang các nước ASEAN khác. Các mối liên kết đang được hình thành ngoài ASEAN với các quốc gia có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Thái Lan, đặc biệt là những quốc gia cung cấp lượng lớn lao động nhập cư và khách du lịch.
Năm 2023, số lượng người dùng đăng ký của PromptPay tăng vọt lên mức cao kỷ lục là 77,2 triệu, tăng 2,9 triệu so với năm trước và giá trị giao dịch trung bình đạt 129 tỷ baht (3,8 tỷ USD) mỗi ngày.
Indonesia và Việt Nam cũng chứng kiến sự gia tăng trong thanh toán QR. Theo Ngân hàng trung ương Indonesia, Bank Indonesia, các giao dịch liên quan đến mã QR thống nhất của ngân hàng này, QRIS, đã tăng trưởng 226% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 4 năm 2023, với số lượng người dùng và đơn vị chấp nhận lần lượt là 50 triệu và 32 triệu.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, giao dịch QR trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng 104,23% về số lượng và 99,57% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam có đặc thù là hệ thống chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng 24/7, cùng nhiều ví điện tử nên phương thức thanh toán QR được thực hiện đa dạng trên nhiều nền tảng.
Tại Philippines, các giao dịch thanh toán kỹ thuật số đạt 2,6 tỷ vào năm 2023, tăng 28,1% so với năm trước, theo ngân hàng trung ương nước này. Các giao dịch QR thông qua mã thống nhất, QR Ph, đạt 73,8 triệu vào năm 2023, tăng 17,2 lần so với năm 2022.