Cụ ông 92 tuổi đi làm răng, bị răng giả rơi vào phế quản

Hồng Ngọc (t/h) 11/10/2022 16:31

PLBĐ - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thông tin, các bác sĩ Khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa bệnh viện vừa kịp thời cấp cứu gắp chiếc răng giả trong phế quản của bệnh nhân H. 92 tuổi do bệnh nhân nuốt phải trong quá trình làm răng.

Theo đó, người bệnh nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, đau ngực khi hít vào. Khai thác bệnh sử, người bệnh cho biết có đi làm răng, trong quá trình làm có nuốt phải cầu răng giả, sau nuốt có ho húng hắng một ít, không nôn không sốt, không ho ra máu, không khó thở đã được nội soi thực quản dạ dày tại Bệnh viện huyện không tìm thấy dị vật.

Người bệnh được chuyển tới khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Sau khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định các xét nghiệm cấp cứu, chụp CT ngực không tiêm thuốc cản quang. Kết quả chụp cho thấy dị vật nghi cung răng giả vị trí phế quản gốc trái.

photo-1665480556721

Hình ảnh X quang phổi người bệnh trước khi can thiệp. (BVCC)

Người bệnh đã được hội chẩn cùng với kíp nội soi phế quản, đã tiến hành nội soi phế quản ống mềm gây tê cho người bệnh, đã gắp thành công dị vật là cung răng giả. Sau soi người bệnh nhịn ăn 6h, theo dõi không ho ra máu, sốt nhẹ, người bệnh đã điều trị kháng sinh 7 ngày ổn định hoàn toàn được ra viện.

photo-1665480559334

Dị vật sau khi được gắp ra. (BCVV)

Dị vật đường thở là trường hợp những dị vật có thể là chất rắn, lỏng thông thường trong cuộc sống xâm nhập vào đường hô hấp ở vùng mũi, miệng từ thanh quản đến phế quản. Những tình huống mắc dị vật đường thở rất dễ xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Đây là một tai nạn sinh hoạt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong mọi điều kiện hoàn cảnh.

Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo những dấu hiệu khi mắc dị vật đường thở. Đối với người lớn và trẻ nhỏ khi đang ăn, đang chơi đột nhiên ho sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở, trợn mắt, có thể cố ho, khạc để tống dị vật ra ngoài. Tình trạng này có thể chỉ thoáng qua rồi tự hết nhưng có những trường hợp người bệnh ngưng thở và tử vong ngay sau đó. Những người xung quanh hay chính nạn nhân khi phát hiện thấy dấu hiệu bị mắc dị vật cần giữ bình tĩnh, không cố móc dị vật ra khỏi miệng vì chưa chắc đã lấy được ra mà vô tình lại đẩy vào sâu hơn.

Nếu nạn nhân vẫn tỉnh táo, hồng hào, không khó thở thì giữ nguyên tư thế ngồi, nhanh chóng đưa đến bệnh viện để kiểm tra, nếu đúng dị vật đường thở sẽ lấy ra. Nếu người bệnh có biểu hiện tím tái, khó thở nặng ngưng thở, không khóc được, không nói được thì gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành thủ thuật can thiệp kịp thời trong thời gian đợi xe cấp cứu tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cụ ông 92 tuổi đi làm răng, bị răng giả rơi vào phế quản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO