Việc phát hành trái phiếu thành công hay không thì bị cáo biết, còn số tiền nhận về không biết là bao nhiêu. Bị cáo nghĩ chỉ phát hành vài trăm trái phiếu thôi, không ngờ tới mấy chục ngàn.
Sáng 20/9, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa với phần xét hỏi đối với 34 bị cáo liên quan vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan (giai đoạn 2).
Mở đầu phiên tòa, Chủ tọa xét hỏi bị cáo Hồ Bửu Phương. Phương nói được Trương Mỹ Lan giao giữ chức Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) và Tập đoàn Đầu tư VTP từ năm 2013 đến ngày 31/7/2020.
Trong thời gian này, Phương giữ nhiệm vụ phụ trách công tác kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính, soát xét các hợp đồng thương mại. Đồng thời, Phương đảm nhiệm một số công việc liên quan đến tư vấn pháp lý; tư vấn chuyên môn về tài chính, công tác kế toán, kiểm toán, thuế, xử lý nghiệp vụ… cho các nhóm kế toán quản lý các Công ty của Vạn Thịnh Phát.
Phương khai, tháng 8/2018, Phương được Lan triệu tập để họp cùng một số người khác để thông báo, ra chủ trương về việc phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn cho hệ thống trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và chỉ đạo các thành phần phối hợp với nhau phát hành trái phiếu.
Thực hiện chủ trương của Lan, Phương cùng các thành phần trong cuộc họp thống nhất chọn Công ty An Đông là công ty phát hành trái phiếu.
Sau khi các gói trái phiếu được phát hành thành công, các bên lựa chọn các Công ty thuộc Tập đoàn để mua sơ cấp toàn bộ trái phiếu của Công ty An Đông. Sau đó bán thứ cấp cho các công ty khác. Cuối cùng SCB phối hợp với Công ty Chứng khoán TVSI để bán lẻ trái phiếu ra thị trường cho các trái chủ.
Theo Phương, việc lựa chọn Công ty mua sơ cấp dựa trên tiêu chí công ty phải có bộ máy hoạt động, có nhu cầu đầu tư trái phiếu hoặc có nhu cầu phát sinh hoạt động đầu tư sinh lời trên báo cáo tài chính.
Việc thu xếp nguồn tiền và chạy dòng tiền qua SCB, Lan giao cho Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB – đã chết) phụ trách lên phương án đi lệnh dòng tiền để tạo lập trái phiếu.
Phương giải thích: Cá nhân chuyển tiền cho công ty mua sơ cấp qua hình thức cho vay, cho mượn rồi Công ty mua sơ cấp chuyển tiền cho Công ty phát hành trái phiếu. Sau đó Công ty phát hành trái phiếu chuyển tiền cho Công ty đối tác để hợp tác đầu tư. Cuối cùng Công ty đối tác chuyển tiền cho các cá nhân theo Hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần để các cá nhân rút tiền mặt.
Bản chất các Công ty mua sơ cấp đều là Công ty thuộc Tập đoàn không có đủ nguồn tiền để mua toàn bộ trái phiếu Công ty An Đông, Quang Thuận và Sunny World. Việc sắp xếp, đi lệnh dòng tiền tại Ngân hàng SCB để tạo nguồn được Nguyễn Phương Hồng sắp xếp, thực hiện.
Quá trình phát hành trái phiếu, Phương làm việc với người phụ trách kế toán của các Công ty phát hành trái phiếu để họ phối hợp với nhân viên của Công ty Chứng khoán TVSI, SCB. Những nhân viên này cung cấp báo cáo tài chính, hồ sơ phát lý của công ty hay các chứng từ chuyển tiền trong chuỗi các giao dịch tạo lập trái chủ sơ cấp.
Bị cáo Phương phối hợp với Phan Chí Luân (cựu Nhân viên Văn phòng HĐQT Tập đoàn VTP) lên phương án “giải quỹ” làm căn cứ để các công ty chuyển tiền. Đồng thời, Phương chỉ đạo Nguyễn Hữu Hiệu, Vũ Quốc Tuấn phối hợp với Công ty Chứng khoán TVSI để phục vụ phát hành trái phiếu.
Theo cáo trạng, bị cáo Phương là đồng phạm, là người giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan phát hành trái phiếu của các công ty: An Đông, Quang Thuận và Sunny World để chiếm đoạt gần 28.000 tỷ đồng của 33.393 bị hại.
Chủ tọa hỏi “Cáo trạng truy tố bị cáo như vậy có oan hay không?”.
“Không oan, nhưng tại Tập đoàn VTP bị cáo không chỉ đạo cho ai. Bị cáo nhận thấy lúc trước có khía cạnh mình không biết, không ngờ có nhiều người mua (trái phiếu – PV) đông như vậy. Khi xảy ra sự việc bị cáo rất hối hận, bị cáo không hưởng lợi trong việc làm này”, bị cáo Phương trả lời.
Bị cáo Phương nói thêm “Cáo trạng nói bị cáo giúp sức cho Trương Mỹ Lan là không oan, nhưng đừng nói bị cáo giúp sức tích cực. Việc phát hành trái phiếu thành công hay không thì bị cáo biết, còn số tiền nhận về không biết là bao nhiêu. Bị cáo nghĩ chỉ phát hành vài trăm trái phiếu thôi, không ngờ tới mấy chục ngàn”.
Bị cáo Hồ Bửu Phương nói đã nhận thức được hành vi sai trái của mình. Bị cáo là người làm công ăn lương, thực hiện công việc là theo sự chỉ đạo của bị cáo Lan, không hưởng lợi gì khác từ việc phát hành trái phiếu. Bị cáo Phương đã tự nguyện khắc phục một phần hậu quả.