Tuy vẻ ngoài kém hấp dẫn nhưng con sam được xem như đặc sản nức tiếng ở Quảng Ninh, có thể chế biến thành 7 - 8 món ngon nhưng không phải thực khách nào cũng có cơ hội thưởng thức.
Con sam (hay còn gọi là cua móng ngựa) là loại động vật giáp xác có thân tròn dẹt, thoạt nhìn giống chiếc mũ sắt, phần mai rất dày và cứng như vỏ cua. Chúng có 4 mắt và 16 chân ẩn giấu dưới bụng. Đuôi có gờ với đầu nhọn hình tam giác rõ nét.
Tại Việt Nam, sam được tìm thấy nhiều nhất ở một số vùng biển như Cát Bà (Hải Phòng) hay Hạ Long, Quảng Yên (Quảng Ninh). Trong đó, sam ở Quảng Ninh phổ biến hơn cả với sản lượng khai thác lớn và thịt sam đạt giá trị thương phẩm cao.
Theo những ngư dân có kinh nghiệm, sam có quanh năm nhưng nhiều và ngon nhất là từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch. Lúc này, sam cái vào mùa sinh sản nên có nhiều trứng, thịt chắc và béo.
Khi khai thác sam, ngư dân thường đánh bắt theo đôi. Nếu chỉ có một con dính lưới, họ sẽ thả nó về biển. Bởi vậy, dân gian có câu “dính như sam”, ngụ ý về tập tính sống kết đôi của chúng.
Thông thường, một con sam cái sẽ có trọng lượng 1,5 - 3,5kg, còn sam đực nhẹ hơn, chỉ khoảng 1 - 2kg.
Tuy vẻ ngoài kém hấp dẫn nhưng sam được xem như đặc sản nổi tiếng ở Quảng Ninh. Ảnh: Sang Doan Dang
Sam thường được bán theo đôi, vào mùa có giá dao động từ 700.000 đến 1,2 triệu đồng mỗi cặp. Thời điểm ngư dân đánh bắt được ít, sam khan hiếm thì giá có thể lên tới 1,5 triệu đồng/đôi.
Anh Phạm Văn Phong – chủ một nhà hàng hải sản ở Hải Phòng cho biết, chỉ với một con sam, đầu bếp có thể làm ra 7 - 8 món. Tuy nhiên, quá trình chế biến kỳ công, đòi hỏi người làm phải có kỹ năng vì nếu sơ chế không cẩn thận có thể gây ngộ độc.
“Sam biển thường ăn sứa nên phần gan và ruột của chúng rất độc. Khi chế biến phải tuyệt đối cẩn thận, chỉ lấy riêng phần bụng và trứng.
Nếu sơ ý làm vỡ gan hoặc ruột của sam sẽ khiến chất độc dính vào phần thịt, có thể gây dị ứng hoặc đau bụng, ngộ độc với người ăn”, anh Phong cho hay.
Một con sam sau khi sơ chế thu được phần thịt bằng khoảng 2/3 trọng lượng ban đầu của chúng, có thể chế biến được 7 - 8 món ăn. Ảnh: Sam Bà Tỵ
Cũng theo người đàn ông này, thịt sam giàu chất đạm, có tính hàn nên khi chế biến thường được kết hợp với một số nguyên liệu, gia vị có tính nóng như tỏi, sả, măng chua, ớt, lá lốt,... để cân bằng món ăn.
Đặc biệt, tất cả các bộ phận của con sam (trừ phần mai cứng) đều có thể sử dụng để chế biến thành nhiều món ngon khác nhau như: Sụn sam nướng, thịt sam xào miến, sam xào sả ớt, chân sam xào chua ngọt, lẩu sam,...
Với thịt sam, đầu bếp thường biến tấu thành một số món như miến, nộm (gỏi) chua ngọt. Trứng sam có vị bùi, béo, đem chiên hay nướng để ăn cùng bánh đa đều ngon.
Chân sam ngon nhất khi xào chua ngọt hoặc sốt me. Còn túi đựng trứng của sam sau khi tách hết phần trứng sẽ được nhồi với thịt băm, hành mỡ chiên giòn, tạo độ giòn sần sật.
Ngoài ra còn có món tiết canh sam với màu sắc bắt mắt, vị ngọt thanh.
Một số món ngon từ sam như: Tiết canh sam, chân sam xào chua ngọt, chả sam, nộm sam. Ảnh: Sam Bà Tỵ
Vì sam biển khó đánh bắt, lại chỉ có thể sống được khoảng 3 ngày khi rời khỏi biển nên không phải thực khách nào cũng có cơ hội thưởng thức các món ngon từ sam.
Thậm chí, nhiều thực khách phải chấp nhận di chuyển quãng đường xa tới Hải Phòng, Quảng Ninh để “mục sở thị” những món ăn lạ miệng này.
Theo nhiều đầu bếp có kinh nghiệm, thịt sam ăn ngon, vị giống thịt ghẹ nhưng dai và nhạt hơn. Tuy nhiên, thực khách cần cẩn trọng khi mua và sử dụng.
Bởi sam rất giống so biển nhưng sam ăn được và phải chế biến đúng cách. So có kích thước nhỏ hơn sam, đuôi không có gờ lưng và dạng tròn, không nhọn. So thường có độc, không được sử dụng làm thực phẩm.
Nếu không may ăn phải so biển, cơ thể sẽ bị tê liệt, ngừng tuần hoàn, suy hô hấp và dẫn tới tử vong.
Bên cạnh đó, du khách cũng không nên ăn quá nhiều trứng và thịt sam cùng lúc bởi các chất độc trong rong và tảo biển - thức ăn của sam có thể chưa phân hủy hết sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe người dùng.
Theo VietNamNet