Ngày càng có nhiều người chọn ngày đẹp để đi tạ mộ tổ tiên từ tháng 11 âm lịch, và đây là lý do để họ đi tạ mộ sớm.
Ảnh internet
Nghi thức tạ mộ cuối năm có ý nghĩa rất quan trọng, bởi theo quan niệm người xưa truyền lại: "Sống vì mồ, vì mả, không ai sống bằng cả bát cơm". Việc tạ mộ cuối năm thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ tổ tiên, còn là tỏ lòng biết ơn các vị thần linh đã gia trì cho gia tiên "mồ yên mả đẹp", giúp con cháu được bình an.
Năm nay, mới tháng 11 ông Vinh đã giục con cháu đi tạ mộ sớm. Đám con cháu ngạc nhiên hỏi thì ông Vinh ôn tồn giải thích rằng, việc tạ mộ xưa nay tiến hành giáp Tết Nguyên đán, sớm thì cũng sau lễ cúng Táo quân. Nhưng nhiều năm nay ông thấy tháng Tết con cháu đều đôn đáo công việc, bận rộn sắm Tết, quà cáp biếu xén... Do đó, khi thấy bạn bè nhiều người từ quê ra thành phố làm ăn sinh sống gần đây đã cùng con cháu về quê tạ mộ sớm từ tháng 11 âm lịch, để đến tháng Tết cả nhà đỡ vất vả tắc đường, kẹt xe, đi lại an toàn chứ không vội vàng, lại có thêm thời gian lo Tết. Có nhà lo việc hiếu còn tiện thể tạ mộ từ tháng 10 âm lịch.
Nguyên nhân mà ông Vinh và nhiều nhà chọn đi tạ mộ từ tháng 11 là do:
Tháng 11 thường không có mưa lớn hay nắng gắt, dễ quét dọn, sửa chữa mộ phần. Việc thi công, vận chuyển tiện lợi. Con cháu cũng có thời gian chuẩn bị chu đáo, đỡ mệt trong tiết trời không quá nóng, không quá lạnh.
Vào cuối năm, thời tiết có thể gặp rét đậm, rét hại, mưa dầm gió bấc, nhu cầu sửa chữa, xây dựng đều tăng cao kèm theo giá thành đắt đỏ, lại cận Tết kiếm thợ không dễ. Tạ mộ tổ tiên sớm giúp gia đình dễ thuê mướn nhân công, tránh bị đội giá vì "cầu không đủ cung".
Đi tạ mộ sớm con cháu sẽ dễ sắp xếp thời gian tham gia đầy đủ, còn có thêm thời gian để làm việc và chuẩn bị lo toan đón Tết Nguyên Đán.
Còn nhiều thuận lợi khác để nhiều nhà chọn đi tạ mộ sớm. Do đó, không chỉ nhà ông Vinh, mà cuối tháng 11 âm lịch khá nhiều gia đình đã chọn ngày giờ tốt để đi tạ mộ tổ tiên sớm, chứ không đợi đến cuối tháng Chạp mới hối hả về đi tạ mộ như truyền thống.
Lên xe, ôm cháu trai trong lòng ông Vinh nói với cả nhà: "Từ xưa tạ mộ là nghi thức truyền thống, là tấm lòng thành kính của con cháu hướng về cội nguồn. Chúng ta sống nhờ phúc ấm tổ tiên, thì phải biết ơn và trân trọng".
Tới nghĩa trang mới 9 giờ sáng, trời đã ấm lên trong không gian tĩnh lặng. Ông Vinh dẫn đầu cả nhà, tay cầm thẻ hương thơm. Sau ông con cháu cầm phẩm lễ, vàng tiền. Ông Vinh bảo con cháu bày lễ gồm hoa quả, tiền vàng và một mâm cỗ nhỏ để thắp hương ở ban Thần linh trước. Ông giải thích với con cháu đó là để tạ ơn quan Thần linh đã bảo hộ, che chở mộ phần gia tiên an ổn suốt năm qua. Đồng thời, xin phép cho con cháu đi quét dọn, sửa sang mộ phần tổ tiên.
Ông Vinh nhắc con cháu khi dọn dẹp phải cẩn thận, tránh để vương vãi lễ vật hay giẫm đạp lên mộ phần xung quanh. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng với các vong linh khác, giữ yên nơi an nghỉ của tổ tiên.
Sau khi con cháu hoàn tất việc dọn dẹp thì bày mỗi mộ 1 phần hoa quả, tiền mã - bởi ở nghĩa trang không nên bày biện nhiều vừa tốn kém, lại bị các vong linh khác lấy mất thì các cụ nhà mình chưa chắc đã được hưởng. Muốn cúng bái gì thì về nhà làm. Thắp hương mộ nhà mình xong thì nhớ chia hương cho những ngôi mộ gần bên - dù không quen biết nhưng đó như một cách sẻ chia sự ấm áp và lòng thành kính.
Tiếp đó, cả nhà cùng chắp tay đứng sau ông Vinh, lắng lòng trước hương khói nghi ngút nghe ông Vinh đọc lời khấn, kính mời các cụ chứng giám lòng thành của con cháu đi làm ăn xa được tạ mộ sớm để về còn lo Tết. Đồng thời, cảm tạ sự phù trợ của tổ tiên thời gian qua. Đến Tết thì Tổ tiên theo làn khói hương về ăn Tết cùng con cháu...
Sau khi hoàn thành lễ tạ mộ sớm trở về, ông Vinh lên phòng thờ gia đình thắp hương khấn vái tạ ơn gia tiên đã giúp con cháu hoàn thành việc tạ mộ, rồi xuống ăn cỗ, trò chuyện cùng con cháu. Theo đó, tạ mộ không chỉ là nghi lễ, mà là cầu nối giữa thế hệ hiện tại và tổ tiên. Quan trọng hơn là lòng thành kính, sự tri ân, và tình cảm đại gia đình được lan tỏa, bồi đắp. Khi đi tạ mộ cần tôn trọng khu vực nghĩa trang, tránh các hành xử bất kính như ồn ào, giẫm đạp, hay ngồi lên mộ phần... Việc tạ mộ tránh phô trương linh đình, cũng không đốt quá nhiều vàng mã, vì quan trọng nhất vẫn là tâm ý".
Nâng chén rượu lên, ông Vinh nói: "Tạ mộ không quan trọng sớm hay muộn, mà nằm ở lòng thành. Ngày nay, giao thông thuận lợi đủ bề, chọn tạ mộ sớm vào tháng 11 hay đầu tháng 12 âm lịch vừa tránh thời tiết bất lợi, đi lại an toàn, lại yên tâm vì từ giờ tới Tết chỉ phải lo thời gian chuẩn bị Tết - là phù hợp với cuộc sống bận rộn ngày nay mà vẫn giữ được giá trị cội nguồn, lòng thành kính, tri ân tổ tiên.
Thông tin trong bài chỉ có tính tham khảo.