GĐXH – Theo truyền thống vào mỗi dịp cuối năm, mọi người sẽ đi tạ mộ cuối năm và mời gia tiên về ăn Tết. Dưới đây, bạn có thể tham khảo những ngày tạ mộ đẹp cuối năm Giáp Thìn 2024 và những lưu ý khi đi tạ mộ để tránh những điều không may.
Vào những ngày cuối năm, theo phong tục truyền thống của người Việt, các gia đình thường ra phần mộ Tổ tiên để làm lễ tạ Thổ Thần, dọn dẹp mộ phần, mời rước vong linh gia tiên về đón năm mới.
Lễ tạ mộ cuối năm là một trong những nghi lễ truyền thống của người Việt để tôn vinh, ghi nhớ truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" và tri ân tổ tiên cùng chư vị thần linh đã phù hộ trong năm.
Với những gia chủ có nhà thờ họ của dòng tộc, ngày tạ mộ thường kèm với việc dọn dẹp nhà thờ họ và lên hương nhằm tạ ơn tổ tiên dòng tộc đã phù hộ trong năm.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, lễ tạ mộ có thể làm độc lập vào tất cả các ngày tốt trong tháng Chạp hoặc nhiều gia đình cũng thường kết hợp với lễ mời gia tiên về ăn Tết sau ngày 23 tháng Chạp.
Thông thường, khoảng từ 24 – 29 tháng Chạp, các gia đình người Việt thường tổ chức lễ tạ mộ cuối năm để tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong phúc lộc cho gia đình. Dưới đây là một số gợi ý về ngày đẹp trong tháng Chạp để làm lễ tạ mộ:
+ Ngày 24/01 tức ngày 25 tháng Chạp vào giờ Thìn (7 - 9h) hoặc giờ Mùi (13 - 15h).
+ Ngày 28/01 tức ngày 29 tháng Chạp vào giờ Thìn (7 - 9h) hoặc giờ Mùi (13 - 15h).
Nếu không thể sắp xếp để tổ chức lễ vào các ngày này, gia chủ có thể chọn một ngày khác mà gia đình rảnh trong khoảng từ 20 - 30 tháng Chạp. Các ngày 23, 29 và 30 tháng Chạp được xem là bình thường, không tốt cũng không xấu, có thể là lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, tránh tổ chức lễ tạ mộ vào các ngày 22, 27 tháng Chạp. Theo quan niệm dân gian, ngày Tam nương là ngày xấu, trăm việc đều kiêng kỵ.
Theo chuyên gia phong thủy, đồ lễ khi đi tạ mộ sẽ tùy theo điều kiện của từng gia đình. Phong tục ở mỗi vùng miền cũng khác nhau nên mọi người có thể lựa chọn đồ lễ cho phù hợp với điều kiện kinh tế, nét văn hóa riêng. Dù vậy, đồ lễ có thể tham khảo gồm:
+ Xôi, chè
+ Rượu, trà, thuốc.
+ Trầu cau
+ 9 bông hồng đỏ và đĩa hoa quả với 5 loại quả
+ 1 đĩa gạo, muối
+ Bánh kẹo, oản
+ Chai nước
Để tránh những điều không may, khi đi tạ mộ cuối năm, mọi người cần lưu ý một số điều sau:
+ Tránh đi tạ mộ quá sớm khi sương chưa tan hoặc chiều muộn vì âm khí nặng hơn sẽ không có lợi cho sức khỏe.
+ Trước khi đặt lễ ở phần mộ gia tiên, mọi người cần sắp lễ vật ở miếu thần linh vì ở nghĩa trang thường có nơi thờ thần linh, thổ địa riêng.
+ Khi đi tạ mộ không dẫm đạp hoặc bước qua những phần mộ của nhà khác.
+ Thắp hương nên lưu tâm thắp cả những ngôi mộ ở bên cạnh, những ngôi mộ vô chủ chứ không nên chỉ quan tâm đến ngôi mộ người thân của mình
+ Người đang ốm yếu, trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, phụ nữ mang thai… không nên đi vì nghĩa trang nhiều khí lạnh, vi khuẩn. Ngoài ra, để trừ khí lạnh thì khi đi tạ mộ về, theo quan niệm dân gian vẫn cần làm ấm cơ thể bằng cách hơ lửa hoặc tắm nước gừng để thanh lọc các trường khí xấu bám vào.
* Thông tin trong bài mang tính tham khảo.