Bài viết trình bày về điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh mới nhất (Hình ảnh từ Internet)
Tại Điều 9 Nghị định 158/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh như sau:
- Công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh:
+ Công ty chứng khoán được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh của mình, khách hàng của mình và cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh cho thành viên không bù trừ và khách hàng của thành viên không bù trừ đó;
+ Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh cho chính ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
- Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh đối với công ty chứng khoán bao gồm:
+ Được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán;
+ Được phép hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh;
+ Đáp ứng các điều kiện về vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu như sau:
++ Đối với thành viên bù trừ trực tiếp: có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 900 tỷ đồng trở lên;
++ Đối với thành viên bù trừ chung: có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 1.200 tỷ đồng trở lên;
+ Tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 260% liên tục trong 12 tháng gần nhất; hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính năm gần nhất không quá 05 lần; thực hiện trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định của pháp luật;
+ Không có lỗ trong 02 năm gần nhất;
+ Ý kiến của tổ chức kiểm toán được chấp thuận tại báo cáo tài chính của năm tài chính gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã được soát xét (trường hợp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh sau ngày 30/6) phải là chấp nhận toàn phần;
+ Đáp ứng yêu cầu về kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro theo quy định của pháp luật về hoạt động của công ty chứng khoán;
+ Không đang trong quá trình tổ chức lại, giải thể, phá sản; không đang trong tình trạng đình chỉ hoạt động, tạm ngừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
- Điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:
+ Đáp ứng quy định về cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng;
+ Có vốn điều lệ, có vốn chủ sở hữu tối thiểu từ 5.000 tỷ đồng trở lên đối với ngân hàng thương mại, vốn được cấp từ 1.000 tỷ đồng trở lên đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
+ Đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng trong vòng 12 tháng gần nhất;
+ Đáp ứng quy định tại điểm a, h khoản 2 Điều 9 Nghị định 158/2020/NĐ-CP.
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh bao gồm:
+ Giấy đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh theo Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 158/2020/NĐ-CP;
Mẫu số 04 |
https://news.thuvienphapluat.vn
+ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc Quyết định của chủ sở hữu về việc thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh;
+ Báo cáo tài chính của 02 năm tài chính gần nhất được kiểm toán và báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét (trường hợp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh sau ngày 30/6); Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong 12 tháng gần nhất (đối với công ty chứng khoán) hoặc tài liệu chứng minh đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài);
+ Quy trình kiểm soát nội bộ, quy trình quản trị rủi ro cho hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh;
+ Văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng.
- Tài liệu thành phần hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 158/2020/NĐ-CP được miễn trừ trong trường hợp tài liệu đó đã được gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định về báo cáo và công bố thông tin.
- Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh được lập thành 01 bộ gốc. Trường hợp tài liệu trong hồ sơ là bản sao thì phải là bản sao từ sổ gốc hoặc được chứng thực. Hồ sơ này được gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo hình thức trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản gửi công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh. Trường hợp từ chối, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, tổ chức cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh phải thực hiện đăng ký thành viên bù trừ. Trường hợp không đăng ký thành viên bù trừ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.
(Theo Điều 10 Nghị định 158/2020/NĐ-CP)