Gửi con chữa bệnh nhận về hũ tro: Xét nghiệm AND tro cốt là điều gần như không thể

Mai Nguyên 14/09/2022 13:21

PLBĐ - Theo một chuyên gia đầu ngành về di truyền học cho biết, ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay, dù với công nghệ nào thì việc xét nghiệm AND tro cốt là điều gần như không thể. Lý do là với nhiệt độ cao lên tới hàng ngàn độ C trong quá trình thiêu xác chết, những cấu trúc ADN nguyên vẹn cần cho việc xét nghiệm AND đã bị hủy diệt.

Liên quan đến vụ gửi con đi chữa bệnh tự kỷ, gia đình đau đớn nhận lại hũ tro cốt, cơ quan chức năng đang tiến hành lấy mẫu tro cốt cháu bé để xét nghiệm AND. Dư luận quan tâm đến câu hỏi liệu có lấy được AND trong tro cốt hay không?

Theo một chuyên gia đầu ngành về di truyền học cho biết, ở Việt Nam và trên thế giới hiện nay, dù với công nghệ nào thì việc xét nghiệm AND tro cốt là điều gần như không thể. Lý do là với nhiệt độ cao lên tới hàng ngàn độ C. trong quá trình thiêu xác chết, những cấu trúc ADN nguyên vẹn cần cho việc xét nghiệm AND đã bị hủy diệt. Việc giám định ADN chỉ có thể thực hiện được khi cấu trúc xương còn nguyên vẹn, không bị phá hủy bởi nhiệt độ hay môi trường.

Từ trước đến nay, việc phân tích ADN hài cốt ở Việt Nam chủ yếu là hài cốt liệt sỹ trong chiến tranh. Việc tách, phân tích ADN từ các mẫu tro cốt rất hiếm được thực hiện ở Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, với thi thể đã hỏa táng thành tro cốt thì không xét nghiệm ADN được nhưng với trường hợp hỏa táng vẫn giữ lại phần cốt (xương) thì có thể giám định ADN hay ARN với khả năng cao hơn mẫu tro cốt. Các chuyên gia phản bác điều này. Với nhiệt độ của lò hỏa táng cao như vậy thì xương đã cháy đen hết, không nên hy vọng có thể xét nghiệm được, dù là phần trăm rất nhỏ.

Trường hợp không hỏa táng bằng lò mà tự thiêu xác bằng xăng dầu thì khả năng xét nghiệm ADN của tro cốt cao hơn, tuy nhiên xác xuất cũng không nhiều.

Gửi con chữa bệnh nhận về hũ tro: Xét nghiệm AND tro cốt là điều gần như không thể - Ảnh 1.

Tro cốt được cho là của cháu N.H.M.Q. (Ảnh: Công an nhân dân)

Trước đó, ông N.H.N. (45 tuổi, trú ở Huế) đến Công an TP. Huế gửi đơn tố cáo ông L.M.Q. (SN 1977, thường trú tại đường Nguyễn Bính, TP Huế; tạm trú TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) về hành vi chữa bệnh gây chết người rồi tự ý thiêu thi thể con trai của mình.

Theo đơn tố cáo, vào đầu tháng 3/2022, qua nhiều lời giới thiệu, gia đình ông N. biết ông Q. có khả năng chữa trị bệnh chậm phát triển cho trẻ nên người nhà đã gửi con trai tên N.H.M.Q. (SN 2019) cho vợ chồng ông L.M.Q. (tạm trú tại TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) để chữa trị.

Ông Q. nói với gia đình ông N., để chữa khỏi bệnh phải đưa cháu M.Q. vào Lâm Đồng, đến cơ sở chữa trị của người này để điều trị nội trú. Ông Q. còn "ra giá" chi phí chữa bệnh cho cháu M.Q là 200 triệu đồng/tháng.

Sau khi đưa cháu M.Q. vào Lâm Đồng, gia đình cháu đã chuyển cho ông Q. tổng số tiền 600 triệu đồng, kèm giấy ủy quyền nuôi dưỡng cháu M.Q. cho ông Q. vào tháng 3/2022.

Gần 1 tháng sau khi đưa con vào gửi cho ông Q. chữa trị, ông N. nhận được điện thoại của ông Q. nói rằng, xin được gặp trực tiếp gia đình ở TP. Huế. Khi gặp, ông Q. thông báo với gia đình là cháu M.Q. đã mất vì mắc COVID-19.

Ông Q. còn nói do lo sợ quá trình chuyển thi thể cháu từ Lâm Đồng ra đến TP. Huế bị phân hủy nên ông này đã tự ý dùng củi thiêu thi thể cháu M.Q. rồi lấy tro cốt đưa ra Huế cho gia đình lo hậu sự. Ông Q. cũng xin chịu chi phí tang ma và xin trả lại cho gia đình số tiền 600 triệu đồng đã nhận trước đó.

Trước cái chết bất ngờ của con, gia đình ông N. hết sức đau đớn, bàng hoàng và nghi ngờ việc đốt thi thể là để che giấu một sự thực khác, nên ông N. đã làm đơn tố giác đến Công an TP. Huế, với mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gửi con chữa bệnh nhận về hũ tro: Xét nghiệm AND tro cốt là điều gần như không thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO