Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị chó cắn với nhiều vết thương phức tạp. Sau điều trị, sức khỏe bệnh nhân có tiến triển.
Nhập viện với nhiều vết thương phức tạp do bị chó cắn
Tuần qua, Khoa Chấn thương Chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc) đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị chó cắn với nhiều vết thương phức tạp.
Điển hình là trường hợp ông T.Q.P (55 tuổi, trú tại huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) vào viện cấp cứu sau khi bị chó cắn. Bệnh nhân có hai vết thương nặng ở chân trái, mép vết thương bầm dập, tổn thương gân cơ. Các bác sĩ đã khẩn trương tiến hành sát trùng, sơ cứu và khâu vết thương, đồng thời tiêm phòng cho bệnh nhân.
Một bệnh nhân khác gặp trường hợp tương tự là bệnh nhân H.C.G (73 tuổi, trú tại huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) vào viện cấp cứu với 8 vết thương dưới đùi phải, vết dài nhất khoảng 3cm, bầm dập, tổn thương gân cơ, chảy nhiều máu qua vết thương.
Bệnh nhân được các bác sĩ xử trí cấp cứu, rửa vết thương, cắt lọc những tổ chức dập nát, hoại tử. Đồng thời, lấy dị vật bên trong vết thương, bơm rửa sạch lại trường mổ và tiến hành khâu nối lại gân cơ tứ đầu đùi, đồng thời cầm máu bằng dao điện.
Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục điều trị tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình, tình hình sức khỏe tiến triển tốt, trạng thái tinh thần dần ổn định.
Hai bệnh nhân này đều bị chó nhà cắn gây tổn thương nặng.
Chia sẻ trên VTV News, BSCKI. Dương Ngọc Hưng (Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, một vài trường hợp vì không biết hoặc chủ quan trong điều trị vết thương do chó, mèo cắn, cào dẫn đến bị nhiễm bệnh dại. Trong khi đó, bệnh dại khi đã lên cơn, tỷ lệ tử vong là 100%.
Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và lượng virus dại được truyền sang người.
BS.CKI Bạch Thị Chính (Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC) cho biết, khi bị chó cắn dù là chó lành hay chó dại cũng cần xử trí theo các bước sau:
Bước 1: Vệ sinh vết thương:
- Cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.
- Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine, tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn.
Bước 2: Băng bó vết thương
Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.
Bước 3: Tiêm phòng.
Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc xin phòng dại ngay sau bị chó cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vaccine phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp.
BS Bạch Thị Chính cũng đặc biệt lưu ý, để đảm bảo xử lý đúng phương pháp khi bị chó cắn, người bệnh không nên làm những điều sau:
- Không đắp, sát bất cứ loại lá nào lên vết thương.
- Không chữa dại bằng thuốc Đông, thuốc Nam hoặc thuốc lá.
- Không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày.
Hiện nay tại Việt Nam có các loại vaccine phòng dại như: Indirab, Rabipur, Speeda, HDCV (Imovax, Sanofi Pasteur) và PCECV (RabAvert, Novartis).
Nếu bị chó, mèo... cắn nên tiêm vaccine phòng dại trước và sau phơi nhiễm theo đúng phác đồ quy định có thể đảm bảo hiệu quả bảo vệ của vaccine ở mức tối đa đối với người tiêm khỏi sự lây nhiễm của virus dại.
Người dân cần đến những cơ sở tiêm chủng uy tín để được khám sàng lọc, chỉ định mũi tiêm phù hợp và được tư vấn tiêm phòng dại mấy mũi chuẩn theo yêu cầu của nhà sản xuất và khuyến cáo của Bộ Y tế.
- Chủ động tuyên truyền giáo dục sức khỏe: Cung cấp những thông tin cần thiết và cách phòng chống bệnh dại. Đặc biệt là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc.
- Báo cáo với cơ quan thú y nơi có động vật bị bệnh dại.
- Thực hiện đăng ký, cấp giấy phép cho chủ nuôi chó, mèo; tiêm vaccine dại có hiệu lực cho đàn chó, mèo đạt trên 85% trong quần thể súc vật nuôi.
- Những người có nguy cơ bị nhiễm virus dại như nhân viên thú y, kiểm lâm, làm việc trong phòng thí nghiệm có virus dại… cần được gây miễn dịch bằng vaccine dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc lại theo chỉ định của y tế.
- Tránh cho trẻ nhỏ chơi với động vật, nhất là chó, mèo đi lạc.
- Dạy trẻ tránh xa các động vật hoang dã như mèo, dơi, gấu trúc, chồn hôi, khỉ, cáo…
- Nhà có vật nuôi như chó, mèo cần chủ động tiêm phòng, không cho động vật chạy rong bên ngoài vì rất dễ lây lan mầm bệnh.