Trong 6 tháng đầu năm, lượng kiều hối chuyển về TPHCM đạt hơn 5 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Ngày 18/7, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết, kiều hối chuyển về TPHCM đang có nhiều tín hiệu lạc quan.
Trong 6 tháng đầu năm, lượng kiều hối về TPHCM đạt hơn 5,1 tỷ USD, bằng 54,7% so với cả năm 2023 và tăng 19,5% so với cùng kỳ. Tính riêng quý II năm nay, kiều hối chuyển về đạt hơn 2,3 tỷ USD . Kiều hối chuyển về từ khu vực châu Á vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 56,1% và tăng 48,5% so với cùng kỳ.
“Nguồn nhân lực và thị trường lao động tiếp tục là các yếu tố tác động tích cực đến lượng kiều hối chuyển về từ khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2024” - ông Lệnh nhìn nhận.
Cũng theo ông Lệnh, bên cạnh các yếu tố mang tính khách quan tác động đến lượng kiều hối chuyển về như yếu tố kinh tế chính trị, xã hội, lao động việc làm và thu nhập… thì việc sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối và các giải pháp thu hút kiều hối cũng có vai trò hết sức quan trọng.
Để thu hút kiều hối, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho rằng, thành phố cần tiếp tục thực hiện tốt cơ chế chính sách về ngoại hối; cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ chi trả kiều hối. Điều này không chỉ đảm bảo mang lại lợi ích tối đa cho người thụ hưởng, người nhận kiều hối mà cả với người gửi tiền, thân nhân, kiều bào và người lao động ở nước ngoài.
Ông Lệnh cũng nhấn mạnh vệ sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối, với định hướng và tập trung nguồn lực kiều hối để phát triển sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ thông qua các công cụ tài chính (trái phiếu chính quyền địa phương, quỹ đầu tư hoặc chứng khoán hóa…), trong đó mô hình tài chính vi mô đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân nhờ nguồn kiều hối chuyển về đã và đang phát huy hiệu quả.
Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm nguồn kiều hối chuyển về TPHCM khoảng 6,9 tỷ USD. Kiều hối là nguồn vốn không phải tuân thủ các điều kiện vay, nguyên tắc hoàn trả như các nguồn vốn ngoại tệ khác (như nguồn vốn vay trả nợ nước ngoài, nguồn vốn ODA; đầu tư trực tiếp nước ngoài…).
Ở góc độ quản lý kinh tế vĩ mô, nếu nguồn kiều hối được tập trung và sử dụng hiệu quả sẽ tác động thúc đẩy và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do đó, sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối là giải pháp bền vững, hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp thu nhập, đời sống người dân nâng lên... sẽ tác động trở lại để thu hút thêm nguồn vốn Việt kiều gửi về nước.