Nhiều người lo ngại đi khám buổi chiều kết quả xét nghiệm sẽ không chính xác nên thường thức dậy từ rất sớm để đến bệnh viện xếp hàng chờ.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, quan niệm khám buổi chiều cho kết quả không chính xác là không đúng, bởi hệ thống máy hiện đại hiện nay có thể đảm bảo tính chính xác, tin cậy giúp chẩn đoán chính xác bệnh.
Người dân thường có tâm lý đi khám bệnh từ sáng sớm vào các ngày đầu tuần, “khám sớm, có kết quả sớm, xong sớm”. Việc khám buổi sáng cũng là để thuận tiện nhịn ăn nếu cần phải làm một số thủ thuật. Vì thế vào buổi sáng và những ngày đầu tuần, các phòng khám, bệnh viện đều phải hoạt động với công suất cao, nhiều khi quá tải cục bộ.
Tuy nhiên theo các bác sĩ tâm lý trên không hoàn toàn chính xác. Việc có cần nhịn ăn hay không phụ thuộc vào các xét nghiệm và chỉ định của bác sĩ. Khám vào buổi chiều có thể thực hiện được các xét nghiệm, nội soi, chụp chiếu. Thậm chí, buổi chiều lượng người vắng, không phải chờ đợi, chen lấn, kết quả còn có sớm, được thăm khám, tư vấn bệnh lý kỹ lưỡng hơn.
Theo BSCKII. Trần Minh Thảo - Phó trưởng khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai, trừ các bệnh cấp tính, đau đầu, bụng, ngực, đau nhiều thì nên đi khám sớm, ngay cả nửa đêm cũng phải đi. Còn đa phần 90% có thể chuyển sang buổi chiều. Nếu liên quan đến các thủ thuật cần nhịn ăn, thì buổi sáng ăn nhẹ nhàng, trưa nhịn ăn, 13h30 bệnh viện bắt đầu làm việc, người dân hoàn toàn có thể lấy máu xét nghiệm, nội soi dạ dày, siêu âm chụp chiếu giống như buổi sáng, kết quả không khác so với khám buổi sáng.
Bác sĩ Trần Minh Thảo cũng thông tin, từ 1/8 Bệnh viện Bạch Mai mở rộng khung giờ khám tới 21h, khám cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ. Các bệnh nhân khám, xét nghiệm máu hay nhiều xét nghiệm khác có thể nhịn ăn trưa và buổi chiều, ngoài giờ khám bình thường. Với hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại, cùng đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao chỉ khoảng sau 2 giờ là đã có kết quả.
“Người dân muốn đỡ vất vả thì nên chú ý và chủ động tính toán lịch đến khám, giảm tải áp lực cho phòng khám, bệnh viện, tránh ùn tắc, đồng thời thuận tiện tiếp cận các dịch vụ y tế, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh được tốt nhất”, bác sĩ Thảo nói.
Với những người tái khám, bệnh lý đơn giản nên đến bệnh viện vào buổi chiều, vì bác sĩ chỉ cần các kiểm tra đơn giản hoặc kê đơn thuốc. Khám vào buổi chiều lượng người vắng hơn cũng là điều kiện để người bệnh đỡ vất vả hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ khám chữa bệnh.
Thực tế, chất lượng dịch vụ và kết quả khi khám bệnh vào buổi chiều hay ngoài giờ không hề bị ảnh hưởng mà ngược lại còn mang đến nhiều lợi ích, trăm bề thuận tiện cho người dân.
Theo bác sĩ, buổi sáng cũng là khoảng thời gian cần thực hiện nhiều công việc như đi chợ, đưa con đi học, đi làm, đi họp khiến nhiều người bị cập rập, khó khăn trong sắp xếp thời gian để đi khám. Việc chuyển qua khám vào buổi chiều, ngoài giờ, không chỉ giúp người dân chủ động sắp xếp thời gian, hoàn thiện các công việc cần thiết mà còn có cơ hội đặt lịch khám dễ dàng hơn cũng như nhiều lựa chọn trong khung giờ khám, bác sĩ khám.
Khám bệnh vào buổi chiều, ngoài giờ không chỉ giúp các phòng khám, các bệnh viện giảm được tình trạng quá tải mà còn giúp người dân tiết kiệm được thời gian. Thời gian xếp hàng, chờ khám được rút ngắn do lượng bệnh nhân ở các cơ sở y tế, phòng khám, bệnh viện giảm đáng kể so với buổi sáng. Nhiều khách hàng có thể vào khám ngay khi tới bệnh viện hoặc phòng khám.
Song song với đó, khi lượng bệnh nhân không bị dồn dập như buổi sáng, các bác sĩ có nhiều thời gian khám, tư vấn cho từng người. Từ đó, khách hàng cũng có thể dễ dàng chia sẻ, đặt câu hỏi về tình trạng sức khỏe của mình để được bác sĩ tư vấn.
Các bệnh đường hô hấp rất dễ lây lan khi tập trung lâu ở nơi đông người, nhất là khu vực khám bệnh. Vì vậy đi khám buổi chiều, ngoài giờ, lượng người thưa sẽ giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm các bệnh. Hơn nữa không gian cũng thoáng đãng, người bệnh sẽ dễ chịu, đỡ căng thẳng hơn. Những nhóm người sức đề kháng kém như trẻ em, người già nên lưu ý và cân nhắc thời gian đi khám phù hợp.