Đây là tình huống giả định được nhiều người quan tâm, đặt câu hỏi và chuyên gia giải đáp những thắc mắc này trong bài viết dưới đây.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Huy, CEO khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường Đại học Nguyễn Trãi), trong trường hợp người vợ hoặc chồng đột ngột qua đời, người còn lại muốn kiểm tra những khoản tiền có thể đã được đầu tư trước đó thì đầu tiên phải kiểm tra tất cả các giấy tờ quan trọng, đây có thể là những đầu mối hữu ích.
Những tài liệu này có thể bao gồm:
Sổ tiết kiệm và giấy tờ ngân hàng: Hóa đơn gửi tiền, sao kê tài khoản hoặc biên lai ngân hàng có thể giúp xác định ngân hàng mà người chồng/vợ sử dụng.
Hợp đồng bảo hiểm: Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, y tế hoặc bảo hiểm tài sản có thể được lưu trữ trong nhà hoặc két sắt.
Chứng từ chứng khoán: Giấy tờ liên quan đến cổ phiếu, các giao dịch chứng khoán hoặc tài liệu đầu tư có thể cung cấp thông tin về tài sản chứng khoán.
Kiểm tra email: Tìm kiếm các email từ ngân hàng, công ty chứng khoán hoặc công ty bảo hiểm có thể cung cấp thông tin về các tài khoản, giao dịch hoặc hợp đồng bảo hiểm.
Truy cập ứng dụng ngân hàng: Nếu người chồng/vợ sử dụng các ứng dụng ngân hàng hoặc chứng khoán trên điện thoại di động hoặc máy tính, việc kiểm tra các ứng dụng này có thể cung cấp thông tin về số dư tài khoản và các khoản đầu tư.
"Tuy nhiên, việc này đòi hỏi quyền truy cập vào thiết bị cá nhân như điện thoại hoặc máy tính. Đối với tài khoản ngân hàng trực tuyến, có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khi có đầy đủ giấy tờ cần thiết", ông Huy nói.
Kiểm tra tại ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm
Đối với các khoản tiết kiệm
Nếu người chồng/vợ không tìm được bất kỳ tài liệu nào tại nhà, phương án tiếp theo là liên hệ trực tiếp với các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán để tra cứu thông tin về các tài khoản của người thân đã qua đời. Quy trình này đòi hỏi phải tuân thủ các yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt.
Đầu tiên, cần cung cấp giấy chứng tử, giấy chứng nhận kết hôn và giấy tờ cá nhân của mình để chứng minh quan hệ pháp lý. Tiếp đó, nếu biết ngân hàng mà người quá cố sử dụng, người thân có thể yêu cầu ngân hàng tra cứu thông tin tài khoản dựa trên số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân. Thông thường, hãy kiểm tra ngay ngân hàng mà trên điện thoại của người đã mất có cài đặt ứng dụng.
Đối với các khoản đầu tư chứng khoán
Liên hệ với. Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, đây là nơi lưu trữ thông tin về các tài sản chứng khoán. Có thể yêu cầu VSD cung cấp thông tin về các khoản đầu tư của người chồng/vợ. đặc biệt nếu người đó đầu tư thông qua các công ty chứng khoán khác nhau.
Đối với các hợp đồng bảo hiểm
Hãy liên hệ với các công ty bảo hiểm lớn, cung cấp thông tin cá nhân của người cần tìm kiếm (như số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân) để tra cứu xem có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nào đang có hiệu lực không.
Ngoài ra, cũng nên tra cứu thông tin tại Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC). Đây là một trung tâm dữ liệu khổng lồ chứa đựng các thông tin liên quan đến lịch sử tín dụng của cá nhân và doanh nghiệp tại Việt Nam. Những thông tin này được các tổ chức tín dụng (ngân hàng, công ty tài chính...) cung cấp và được CIC lưu trữ, cập nhật thường xuyên.
" Nếu quá trình tìm kiếm gặp nhiều rào cản pháp lý hoặc khó khăn trong việc tiếp cận tài sản thì có thể cân nhắc nhờ luật sư chuyên về thừa kế để đảm bảo mọi thủ tục pháp lý được thực hiện đúng quy trình" , ông Huy tư vấn