Men gan tăng cao ở trẻ em và những điều cha mẹ cần biết để đề phòng

24/09/2022 07:41

PLBĐ - Ngày nay, tình trạng men gan cao ở trẻ ngày càng tăng cả về số lượng và độ tuổi. Vì vậy, việc tìm hiểu và thực hiện các biện pháp đề phòng men gan tăng cao ở trẻ em là vô cùng cần thiết.

Tăng men gan ở trẻ em là gì?

Thông thường, những enzyme trong gan được sản sinh khi có tế bào gan bị lão hóa và chết đi. Các enzyme này được giải phóng vào máu và hình thành lượng men gan nhất định. Khi lượng men gan này vượt quá ngưỡng cho phép (>40 U/L) thì có nghĩa là men gan đã tăng cao.

Cơ chế này ở trẻ em cũng vậy. Men gan cao ở trẻ em có thể xảy ra trong một trường hợp nào đó. Chỉ số men gan tăng ở mức từ nhẹ đến cao là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm của gan cũng như cảnh báo vấn đề bất thường trong cơ thể trẻ.

Khi trẻ bị tăng men gan ở mức độ nhẹ sẽ không có dấu hiệu gì bất thường được biểu hiện ra bên ngoài. Nhưng nếu men gan tăng từ trên 150 U/L trở lên thì sẽ xuất hiện những dấu hiệu dễ nhận biết sau đây: Vàng da, vàng mắt; trướng bụng; chán ăn; suy nhược cơ thể;...

Đối với trẻ nhỏ, không ít bậc cha mẹ vẫn luôn chủ quan trước các vấn đề về gan ở trẻ nhỏ, đặc biệt là men gan tăng cao. Nhiều trường hợp chỉ phát hiện ra bé mắc men gan tăng cao khi bệnh biến chứng nặng. Lúc nặng, trẻ có thể phải chịu những căn bệnh nguy hiểm khác. Một số biến chứng mà trẻ nhỏ có thể gặp phải khi men gan tăng cao có thể kể đến như: bệnh xơ gan, ứ đọng dịch trong cơ thể, bệnh suy gan, vàng da…

Trong thời gian dài không được phát hiện và chữa trị, men gan cao  ở trẻ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của gan, suy giảm chức năng gan. Thậm chí lâu ngày có thể đe dọa đến tính mạng của các bé. 

Men gan tăng cao ở trẻ em và những điều cha mẹ cần biết để đề phòng - Ảnh 1.

Nguyên nhân khiến trẻ bị men gan cao

Men gan tăng cao ở trẻ em có thể bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, dưới đây có thể là một số yếu tố nguy cơ dễ gây tình trạng men gan tăng cao nhất ở trẻ em.

Bẩm sinh

Trẻ em bị men gan tăng có thể do yếu tố bẩm sinh hoặc di truyền nếu trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ bị men gan tăng hoặc mắc các bệnh lý về gan như viêm gan, gan nhiễm mỡ.

Môi trường ô nhiễm

Ở những nơi môi trường ô nhiễm, thức ăn bị nhiễm nhiều hóa chất độc hại, gan sẽ phải làm việc nhiều hơn để thải các độc tố ra bên ngoài cơ thể. Đây sẽ là nguyên nhân dẫn tới men gan cao ở trẻ do phải làm việc quá sức.

Mắc viêm gan

Nếu người mẹ bị viêm gan A, B hoặc C khi mang thai rất dễ truyền bệnh viêm gan sang cho thai nhi và em bé sinh ra nếu không được tiêm phòng kịp thời sẽ bị mắc viêm gan từ mẹ. Bệnh viêm gan A, B, C đều dẫn tới tình trạng men gan tăng.

Do vậy, nếu người mẹ bị viêm gan A, B hoặc C khi mang thai cần được thăm khám thai thường xuyên và định kỳ để bác sĩ tư vấn cách phòng tránh lấy nhiễm sang thai nhi. Sau khi vừa sinh xong, em bé cần được tiêm phòng ngay trong 24h sau sinh để tránh nguy cơ lây nhiễm viêm gan từ mẹ sang con.

Men gan tăng cao ở trẻ em và những điều cha mẹ cần biết để đề phòng - Ảnh 2.

Lạm dụng thuốc

Việc lạm dụng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động gan của trẻ em. Một số loại thuốc có thể kể đến như: thuốc điều trị rối loạn thiếu tập trung tăng động, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc chống co giật…

Béo phì

Trẻ em bị béo phì rất hay gặp các tính trạng bệnh lý bất thường và nguy hiểm đến sức khỏe. Trong đó phải kể đến tình trạng gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ. Các bệnh lý này khiến gan bị ảnh hưởng chức năng nghiêm trọng, suy giảm khả năng miễn dịch. Gan hoạt động kém, đào thải kém. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến men gan tăng ở trẻ.

Sữa công thức

Trong sữa công thức thiếu chất antitrypsin, do đó gan không thể chuyển hóa được hết các chất trong sữa, gây nguy hiểm cho gan của trẻ, cụ thể sẽ bị men gan cao ở trẻ.

Phụ huynh cần làm gì để phòng ngừa men gan tăng cao ở trẻ?

-Nếu người mẹ bị các bệnh về gan, trước và trong khi mang thai cần đến gặp bác sĩ thăm khám để có những biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh từ mẹ sang con.

- Người mẹ khi mang thai cần có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý, giúp cho thai nhi phát triển khỏe mạnh.

- Mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài trong 2 năm. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng an toàn và đầy đủ dưỡng chất nhất mà không một loại sữa công thức nào thay thế được. Sữa công thức không chỉ ảnh hưởng đến men gan mà còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.

- Nên tạo cho trẻ thói quen ăn uống và nghỉ ngơi điều độ, luôn giữ cân nặng ở mức trung bình và giảm tối đa tình trạng béo phì.

- Cho trẻ tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để nâng cao sức đề kháng và phòng tránh các bệnh khác xảy ra.

- Cho trẻ sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn chỉ định của bác sĩ có chuyên môn. Không dùng acetaminophen cho trẻ để tránh gây tổn thương chức năng gan.

- Hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa chứa thành phần không tốt cho sức khỏe, đặc biệt không cho trẻ tiếp xúc với môi trường khói thuốc lá.

- Cho trẻ uống nhiều nước để hỗ trợ các chức năng gan và giải độc cơ thể. Sử dụng nước lọc sạch, nước trái cây hoặc nước có pha một ít giấm táo để hỗ trợ chức năng gan.

- Khám sức khỏe tổng quát định kỳ cho trẻ sẽ giúp phụ huynh biết rõ thực trạng sức khỏe của trẻ. Từ đó, có phương pháp xử lý kịp thời. Ngoài ra, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám nếu trẻ có một trong những dấu hiệu cảnh báo men gan tăng cao.

Thanh Hải (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Men gan tăng cao ở trẻ em và những điều cha mẹ cần biết để đề phòng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO