Mở cánh cửa lớn sang EU: Cơ hội cho dệt may, da giày phát triển

Thanh Hải 30/06/2019 13:00

Hôm nay, 30/6, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU chính thức được ký kết. Những cam kết trong hiệp định sẽ tạo cơ hội mở cửa hơn nữa thị trường xuất khẩu cho Việt Nam, nhất là dệt may, da giày.

Trên những số báo vừa qua, Báo Người Lao Động tiếp nhận ý kiến của nhiều doanh nghiệp (DN) ngành nông sản, thủy sản, đồ gỗ…, kỳ vọng việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) tạo ra thời cơ cho các DN này phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút dòng đầu tư có giá trị. Tương tự, ngành dệt may, da giày hoàn toàn có lý do để tin tưởng EVFTA mang lại động lực cải thiện sản xuất và thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU.

Nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị tích cực

Đánh giá EVFTA là cơ hội lớn đối với ngành dệt may, ông Trần Như Tùng, thành viên HĐQT Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, cho rằng lâu nay, hàng dệt may của Việt Nam chủ yếu xuất đi Mỹ, Nhật và EU. Tuy nhiên, thị trường EU còn hạn chế vì một số nước từ lâu đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) nên họ có lợi thế cạnh tranh hơn chúng ta. Khi EVFTA được ký kết và có hiệu lực, DN Việt sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn ở thị trường này so với các đối thủ khác.

Theo ông Tùng, cần độ trễ để nhìn thấy lợi ích từ hiệp định và đơn hàng xuất khẩu EU sẽ gia tăng trong nửa cuối năm nay. "EVFTA yêu cầu quy tắc xuất xứ đối với các sản phẩm hàng dệt may từ vải nhưng hiện chỉ có số ít DN dệt may đầu tư hệ thống khép kín từ sợi - dệt - nhuộm - may và xuất khẩu. Chúng tôi đã sang làm việc với các khách hàng EU và một số đối tác từ EU cũng qua Việt Nam thăm nhà máy, làm việc" - ông Tùng thông tin.

Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chia sẻ trong những năm qua, Vinatex đã chuẩn bị tích cực cho các FTA thế hệ mới thông qua việc tập trung đầu tư những dự án sản xuất nguyên liệu và đã đạt thành quả tỉ lệ nội địa hóa 56%, cao hơn mức bình quân 49% của toàn ngành. Riêng đầu tư mới cho sản xuất sợi - dệt vải chiếm tỉ lệ 90% đầu tư của Vinatex từ năm 2013 tới nay. Trong năm 2019, Vinatex tiếp tục đẩy mạnh đầu tư chiều sâu bằng công nghệ, thiết bị tiên tiến để tăng năng suất, hạ chi phí lao động trên một sản phẩm.

Một lãnh đạo khác của Vinatex nhìn nhận sau một thời gian tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), về mặt nào đó, động lực tăng trưởng mới, động lực tạo việc làm mới cũng như động lực công nghiệp hóa không còn nhiều. Các FTA thế hệ mới tạo ra chất xúc tác mới cho DN và cả nền kinh tế phát triển. Nhờ tác động của các hiệp định này, DN đã bắt tay liên kết, mua hàng của nhau trên cơ sở chia sẻ lợi ích. Đây là bước chuẩn bị rất cần thiết để đáp ứng được quy tắc xuất xứ mới của EVFTA.

4-chot-1561822254228906554563
Khi EVFTA được ký kết và có hiệu lực, doanh nghiệp Việt sẽ có lợi thế cạnh tranh tốt hơn ở thị trường EU so với các đối thủ khác. Trong ảnh: Sản xuất khăn xuất khẩu tại Tổng Công ty CP Phong Phú. Ảnh: TẤN THẠNH

Nguy cơ bị mượn xuất xứ

Tuy vậy, vị lãnh đạo Vinatex nói: "Không phải cứ ký được hiệp định là coi như DN có quà!". Theo ông, toàn ngành dệt may hiện có khoảng 7.000 DN và không phải DN nào cũng đủ sức cạnh tranh. Thay vào đó, sẽ có một cuộc thanh lọc và thất bại đối với một số DN là khó tránh khỏi. "Lợi ích khi có FTA là lợi ích tiềm năng, tận dụng được tiềm năng là do khả năng của DN" - ông nói.

Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện tượng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thấp hơn GDP trong 2 năm trở lại đây của thế giới cho thấy xu thế bảo hộ đã quay trở lại. Nhiều khả năng trong 10 năm tới, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 60% tăng trưởng GDP. Khó khăn sẽ chồng khó khăn khi có nguy cơ một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc và Hàn Quốc dịch chuyển vào Việt Nam để tận dụng lợi thế từ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA. Khối DN này sẽ cùng chia sẻ miếng bánh xuất khẩu của hàng ngàn DN dệt may Việt Nam, tạo áp lực cạnh tranh không hề dễ dàng. Vì thế, DN dệt may Việt Nam cần đưa ra những giải pháp cụ thể với từng kịch bản thị trường; hợp tác, liên kết chặt chẽ với DN sợi vải, liên kết chuỗi để cùng vượt qua các khó khăn, thách thức mà biến động thị trường gây ra.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, đưa ra nhận định: Xuất khẩu may mặc và da giày của Việt Nam sang EU đạt gần 9 tỉ USD trong năm 2018 khi thuế suất trung bình EU áp cho các sản phẩm này ở mức 9%. Cơ hội sẽ tăng khi thuế quan này được dỡ bỏ trong vòng 3 năm hoặc ngay lập tức sau khi EVFTA có hiệu lực. Do đó, Việt Nam cần xây dựng ngành công nghiệp dệt may nội địa, tức giảm nhập nguyên phụ liệu đầu vào để tận dụng cơ hội. Nếu không, các yêu cầu rất nghiêm khắc về xuất xứ hàng hóa đối với sản phẩm may mặc nhập khẩu vào EU có thể làm giảm các lợi ích đối với Việt Nam, khi phần lớn các nguyên liệu chính đều đang được nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Cần bàn tay "bà đỡ"

Theo ông Phạm Hồng Hải, hiện nay, chỉ có DN quy mô sản xuất lớn và DN FDI mới có khả năng đáp ứng được tỉ lệ tự chủ nguồn nguyên phụ liệu tuân thủ quy tắc xuất xứ của EVFTA. Vì thế, ngoài việc DN tự phát triển nguồn nguyên liệu cho mình thì cũng cần định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ thông tin của Chính phủ. Cụ thể, cần có quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; hướng dẫn về cam kết của Việt Nam đối với EVFTA; các cam kết đối với DN về môi trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa…

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Da giày TP HCM, cảnh báo với riêng ngành da giày TP HCM, cơ hội từ hàng chục FTA đã nhiều lần đi ngang qua cửa DN rồi… "đi luôn" và khả năng lần này cũng vậy. "Mấy ngày gần đây, Hội Da giày TP HCM đã liên lạc với hơn 100 DN thành viên mà không tìm được DN đủ năng lực cung ứng cho 2 đơn hàng trị giá 1 triệu USD. Đơn hàng có sẵn nhưng không có nhà sản xuất nào đáp ứng được là rất tiếc. Chúng tôi cũng không dám giao đơn hàng lớn cho những DN không đủ năng lực để hạn chế tối đa rủi ro DN móc nối gia công sản xuất tại Trung Quốc rồi gắn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu" - ông Khánh chia sẻ.

Vì lý do trên, ông Khánh cho biết Hội Da giày TP HCM đã nhiều lần kiến nghị TP hỗ trợ ngành da giày 15-20 ha để xây dựng cụm công nghiệp, tập hợp DN trong ngành vào đó nhằm liên kết hoạt động, chia sẻ nguyên liệu, đơn hàng để cùng thực hiện đơn hàng lớn. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ để DN da giày tiếp cận chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa của nhà nước và TP HCM. Lâu nay, do quy mô quá nhỏ, không có tài sản thế chấp, trình độ quản trị hạn chế nên hầu hết DN đứng ngoài các chương trình ưu đãi về vốn, mặt bằng… của Chính phủ lẫn TP. Hiện chỉ 3 trong hơn 100 thành viên của Hội Da giày TP HCM vay được tín chấp với số tiền khoảng 500 triệu đồng. 

(Theo Người Lao Động)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mở cánh cửa lớn sang EU: Cơ hội cho dệt may, da giày phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO