Nắm quy định này, công chức và viên chức biết rõ những hình thức kỷ luật được áp dụng khi vi phạm

10/01/2024 17:09

Kỷ luật là những quy định có tính chất bắt buộc đối với các thành viên trong một cơ quan, tổ chức đặt ra. Trường hợp công chức, viên chức vi phạm kỷ luật bị xử lý thế nào?

Kỷ luật là gì?

Kỷ luật là những quy tắc được xây dựng trên cơ sở quy định pháp luật, đạo đức xã hội, do cơ quan, tổ chức đặt ra tạo khuôn khổ ứng xử chung trong một tập thể để duy trì sự ổn định, trật tự nhằm đạt hiệu quả tốt nhất trong quản lý, công tác, lao động, rèn luyện.

Kỷ luật cũng có thể do cá nhân tự đặt ra cho chính bản thân mình nhằm mục đích tạo những nguyên tắc rèn luyện, sinh hoạt, học tập của bản thân hướng tới mục tiêu đặt ra.

Kỷ luật luôn phải được biểu hiện dưới dạng quy tắc ứng xử, tại các cơ quan đơn vị sẽ phải được thể hiện bằng văn bản và trình bày nội dung chi tiết.

Ví dụ: kỷ luật lao động được ban hành trong nội quy lao động của doanh nghiệp, trong đó xác định rõ các vấn đề về thời gian làm việc, công nghệ, quy trình điều hành quản lý, các hành vi vi phạm kỷ luật và hình thức xử phạt tương ứng.

Đối với cá nhân, kỷ luật có thể không cần phải được thể hiện bằng văn bản mà nó ở trong ý thức, tư duy, nguyên tắc sống, làm việc.

Kỷ luật mang đặc điểm gì?

- Kỷ luật được xây dựng trên cơ sở quy định pháp luật và đạo đức xã hội.

- Kỷ luật được đặt ra trong cơ quan, tổ chức mang tính bắt buộc đối với đối tượng chịu sự điều chỉnh;

- Kỷ luật trong các cơ quan, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau sẽ khác nhau;

- Kỷ luật chỉ có được thông qua ý thức và rèn luyện của cá nhân.

Nắm quy định này, công chức và viên chức biết rõ những hình thức kỷ luật được áp dụng khi vi phạm  - Ảnh 2.

Kỷ luật trong các cơ quan, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau sẽ khác nhau. Ảnh minh họa: TL

Những hình thức kỷ luật đối với công chức, viên chức khi vi phạm kỷ luật

Vi phạm kỷ luật là gì?

Vi phạm kỷ luật là hành vi vi phạm những quy tắc, quy định chung. Được đặt ra và thống nhất thực hiện tại một môi trường nhất định. Đảm bảo mang đến các lợi ích tiếp cận hiệu quả của tập thể. Cũng như quản lý nhân viên, thành viên trong tập thể, có thể là môi trường học tập, môi trường làm việc. Cần đến sự quản lý, điều hành của một nhóm người. Với công cụ được xác định là quy định, nội quy mà thành viên cần tuân thủ.

Vi phạm kỷ luật là hành vi có lỗi của chủ thể. Được xác định trong thống nhất các nguyên tắc chung cần biết và không được phá vỡ. Thực hiện với tính chất trái với các quy chế, quy tắc xác lập trật tự trong nội bộ cơ quan, tổ chức. Để mang đến các lợi ích riêng, không đảm bảo trật tự quản lý được đề ra. Tức là không thực hiện đúng kỷ luật lao động, học tập, công tác hoặc phục vụ được đề ra trong nội bộ cơ quan, tổ chức đó.

Các hình thức xử lý kỷ luật

Các hình thức được xác định trong mức độ, hậu quả của hành vi. Tùy theo tính chất nhất định trong vi phạm để căn cứ thực hiện hình thức nhất định.

Theo Điều 124 Bộ luật Lao động năm 2019, có 4 hình thức xử lý kỷ luật lao động, gồm:

- Khiển trách.

- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

- Cách chức.

- Sa thải.

Theo quy định trên, các xử lý thực hiện từ mức độ nhẹ đến nặng. Trong đó, có tác động đến tiền và lợi ích vật chất. Đến các quyền và lợi ích bị hạn chế và nặng nhất là sa thải.

Các hành vi bị xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức và viên chức

Theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức; những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.

Mức độ của hành vi vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Hành vi vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Các hình thức kỷ luật áp dụng với cán bộ gồm: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức; bãi nhiệm.

Hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là: Khiển trách; cảnh cáo; hạ bậc lương; buộc thôi việc.

Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật: Khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; cách chức; buộc thôi việc.

Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, các hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách; cảnh cáo; buộc thôi việc. Hình thức kỷ luật áp dụng đối với viên chức quản lý là: Khiển trách; cảnh cáo; cách chức; buộc thôi việc.

Ngoài ra, viên chức bị kỷ luật bằng một trong các hình thức quy định trên còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

Nghị định số 112/2020/NĐ-CP nêu rõ, nguyên tắc xử lý kỷ luật là khách quan, công bằng; công khai, minh bạch; nghiêm minh, đúng pháp luật. Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu cán bộ, công chức, viên chức có từ 02 hành vi vi phạm trở lên thì bị xử lý kỷ luật về từng hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm nặng nhất, trừ trường hợp bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, buộc thôi việc; không tách riêng từng nội dung vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành; Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.

Khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu và sửa chữa, việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực có cùng hành vi vi phạm thì bị coi là tái phạm; ngoài thời hạn 24 tháng thì hành vi vi phạm đó được coi là vi phạm lần đầu nhưng được tính là tình tiết tăng nặng khi xem xét xử lý kỷ luật.

Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc hình thức kỷ luật Đảng thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã bị xử lý kỷ luật Đảng thì hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm ở mức độ tương xứng với kỷ luật Đảng. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật Đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, quyết định việc xử lý kỷ luật hành chính.

Nghị định số 112/2020/NĐ-CP nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần, danh dự, nhân phẩm trong quá trình xử lý kỷ luật.

Nắm quy định này, công chức và viên chức biết rõ những hình thức kỷ luật được áp dụng khi vi phạm  - Ảnh 3.

Công chức và viên chức vi phạm kỷ luật sẽ áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng. Ảnh minh họa: TL

Thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức

Cụ thể tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức thực hiện theo Điều 80 Luật Cán bộ công chức 2008 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 16, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019.

- Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Cụ thể, thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức được quy định như sau:

(i) 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 

(ii) 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại (i).

- Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:

+ Cán bộ, công chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

+ Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

+ Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

Thời hiệu xử lý kỷ luật viên chức

Thời hiệu xử lý kỷ luật đối với viên chức thực hiện theo Điều 53 Luật Viên chức 2010 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 7 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức 2019.

- Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì viên chức có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Theo đó, thời hiệu xử lý kỷ luật viên chức được quy định như sau:

(i) 02 năm đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách;

(ii) 05 năm đối với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp quy định tại (i) mục này.

- Đối với các hành vi vi phạm sau đây thì không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:

+ Viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

+ Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

+ Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

(Khoản 2, Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP)

Theo giadinh.suckhoedoisong.vn
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nam-quy-dinh-nay-cong-chuc-va-vien-chuc-biet-ro-nhung-hinh-thuc-ky-luat-duoc-ap-dung-khi-vi-pham-172240110162452101.htm
Copy Link
https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nam-quy-dinh-nay-cong-chuc-va-vien-chuc-biet-ro-nhung-hinh-thuc-ky-luat-duoc-ap-dung-khi-vi-pham-172240110162452101.htm
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nắm quy định này, công chức và viên chức biết rõ những hình thức kỷ luật được áp dụng khi vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO