Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc thanh toán của khách du lịch từ Thái Lan hoặc Campuchia tại Việt Nam gần như không có dù đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua QR Code với Thái Lan, Campuchia.
Tại cuộc họp mới đây do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua QR Code với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai tiếp với Lào, cho phép người dân mỗi nước quét QR Code để trả tiền hàng hóa, dịch vụ an toàn, tiện lợi tại các nước này ngay trên ứng dụng di động ngân hàng Việt Nam và ngược lại.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ thực hiện tốt ở chiều đi, nghĩa là khách hàng là người Việt Nam khi sang Thái Lan, Campuchia mua hàng hóa dễ dàng quét QR Code để trả tiền nhưng ở chiều ngược lại việc thanh toán của khách du lịch từ Thái Lan hoặc Campuchia tại Việt Nam gần như không có,…
Theo đại diện Vụ Thanh toán, một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề trên là: Mức độ nhận diện thương hiệu tại các điểm chấp nhận thanh toán song phương của ngân hàng và mạng lưới chấp nhận thanh toán tại Việt Nam còn chưa đồng bộ, dễ gây nhầm lẫn giữa mã QR thanh toán nội địa và mã QR thanh toán song phương: Các ngân hàng khi tham gia dịch vụ đều ưu tiên triển khai chiều Việt Nam thực hiện thanh toán tại đơn vị chấp nhận thanh toán ở nước ngoài…
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, việc hợp tác thanh toán song phương qua mã QR giữa các quốc gia trong khu vực là phù hợp với xu hướng liên kết trong ASEAN, mang lại tiện ích thanh toán bằng đồng bản tệ cho các khách hàng Việt Nam khi sang các nước có hợp tác, cũng như du khách từ các nước này khi đến Việt Nam.
Do đó, ông Phạm Anh Tuấn đề nghị NAPAS (với vai trò là đơn vị đầu mối kết nối) và các ngân hàng thành viên tham gia dự án kết nối cần có giải pháp đảm bảo chấp nhận thanh toán song phương qua mã QR chiều thanh toán tại Việt Nam, trong đó: đảm bảo việc chấp nhận thanh toán song phương qua mã QR tại các đơn vị chấp nhận thanh toán của các ngân hàng thành viên; có biện pháp mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán song phương qua mã QR.
Ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc NAPAS đã chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thử nghiệm dự án kết nối thanh toán qua mã QR với Thái Lan và Campuchia, đồng thời phân tích các nguyên nhân, nhằm trao đổi và tìm kiếm các giải pháp thích hợp giữa các bên liên quan trong vấn đề thúc đẩy thanh toán song phương.
Trao đổi tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng hội viên cho biết, hiện có 2 hình thức chấp nhận thanh toán quốc tế là thanh toán qua mã VietQR (thanh toán không mất phí), thanh toán qua mã QR (mất 0,5% phí đối với đơn vị chấp nhận thanh toán). Vì vậy, cần phải có sự đồng nhất chuẩn định dạng để các ngân hàng hội viên có thể dễ dàng triển khai.
Bên cạnh đó, khi ngân hàng thực hiện ký kết với đơn vị chấp nhận thanh toán thì quy định, quy trình ký kết phải tuân thủ pháp lý, có nhận diện và phải ký "offline". Ngoài ra, cần có sự thống nhất trong việc thu phí hoặc chuyển tiền qua mã QR miễn phí hoặc thanh toán thu phí.
Ngoài ra, đại diện các ngân hàng, trung gian thanh toán đã đóng góp các ý kiến, kiến nghị nhằm tháo gỡ các vướng mắc, cải tiến tiến độ vận hành, thúc đẩy thanh toán song phương qua mã QR với tinh thần tích cực hưởng ứng, tìm kiếm các giải pháp thống nhất, đưa ra lộ trình triển khai rõ ràng.
Trong đó, việc triển khai tại Lào, Campuchia và Thái Lan có lượng khách nhỏ trong khi Hàn Quốc và Trung Quốc có lượng khách tiềm năng lớn vì vậy cần tập trung cho thị trường có tiềm năng lớn trước. Đặc biệt, năm 2024 có rất nhiều Thông tư và luật mới mà các ngân hàng phải đáp ứng với thời gian gấp gáp. Vì vậy, nguồn lực của ngân hàng phải dàn mỏng để đáp ứng, trong khi đó, khi kết hợp với NAPAS triển khai chuẩn QR động chưa đáp ứng được yêu cầu,…