PLBĐ - Ung thư gan là căn bệnh vô cùng nguy hiểm và tỷ lệ người mắc ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thủ phạm gây ung thư lại là những vật dụng vô cùng quen thuộc tồn tại trong chính căn bếp của chúng ta, cần được đề phòng.
Ung thư gan là sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát của các tế bào ung thư tại gan. Theo GLOBOCAN 2020, Việt Nam có thêm 26.418 người mắc ung thư gan và 25.272 người tử vong vì ung thư gan. Ung thư gan hiện là bệnh có tỷ lệ mắc mới và tử vong cao nhất trong các bệnh ung thư thường gặp.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư gan đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh như giới tính (nam giới nhiều hơn nữ giới), những người mắc bệnh gan mãn tính (xơ gan), gan nhiễm mỡ, viêm gan B, C, béo phì, nhiễm độc tố aflatoxin do nấm mốc… Ngoài ra, nguyên nhân gây ung thư gan có thể liên quan đến các yếu tố môi trường, lạm dụng rượu bia, thuốc lá...
Ung thư gan ở giai đoạn sớm thường không biểu hiện rất khó phát hiện. Phần lớn người bệnh đến khám khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị. Ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển với các biểu hiện chán ăn, đau, nặng tức vùng hạ sườn phải, trướng bụng, vàng da, củng mạc mắt,…
Ở giai đoạn muộn, khi khối u đã lớn các triệu chứng trên rõ ràng hơn, hoặc xuất hiện thêm các biến chứng của bệnh với các biểu hiện: Sụt cân không rõ nguyên nhân, buồn nôn, nôn, mệt mỏi, chán ăn... có cảm giác ngứa, trướng bụng, đau, nặng tức vùng hạ sườn phải, vàng da,...
Dưới đây là những vật dụng gây ung thư gan tồn tại trong chính căn bếp, có thể bạn không ngờ đến:
Thực phẩm mốc
Thời tiết nồm ẩm là nguyên nhân khiến thực phẩm như gạo, ngô, lạc,... dễ bị hỏng và sinh ra nấm mốc. Thực phẩm khi bị nấm mốc sẽ sản sinh ra aflatoxin - một chất độc gây hại khắp cơ thể, đặc biệt là gan. Khi aflatoxin xâm nhập vào gan, nó sẽ dẫn tới gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Ngay cả khi rửa hay đun nóng, chất độc cũng không được loại bỏ hoàn toàn. Bởi vậy, để đảm bảo sức khỏe cho mọi người trong gia đình, chúng ta nên loại bỏ những thực phẩm ẩm mốc.
Đũa gỗ
Đũa gỗ là một vật dụng quen thuộc, được nhiều gia đình sử dụng. Nếu để đũa trong môi trường ẩm ướt lâu ngày và không có đủ ánh sáng mặt trời để khử trùng thì rất dễ sinh ra độc tố aflatoxin.
Sau khi đi vào cơ thể người, aflatoxin được gan giải độc và chuyển hóa trực tiếp, lúc này sẽ làm tăng sự cản trở trong quá trình giải độc và chuyển hóa của gan. Aflatoxin cũng là chất gây ung thư bậc 1.
Để hạn chế được tối đa tình trạng này, bạn nên luộc đũa khoảng 10 phút khi mới mua về. Đũa nên được làm khô trước rồi mới cho vào tủ bát. Khi rửa chúng cần dùng khăn lau nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh làm mất đi lớp sơn phủ bảo vệ. Và tốt nhất, nếu nhà bạn dùng đũa gỗ thì nên thay mới định kỳ khoảng 5 tháng/lần.
Đồ nhựa tái sử dụng
Bát, hộp nhựa sau một thời gian dài sử dụng cũng sẽ bị trầy xước, ngả màu, tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn tích tụ và gây bệnh. Đặc biệt, đối với những loại nhựa kém chất lượng, quá trình sử dụng sẽ sản sinh chất BPA - đây là chất độc gây ra một số bệnh như: Vô sinh, tiểu đường, ung thư… Chính vì vậy, người dân cần phải cảnh giác với những sản phẩm như: Cốc, bát, thìa, dĩa, ống hút nhựa…, nhất là những sản phẩm dùng một lần và những sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Thớt gỗ
Thớt gỗ thường rất khó chùi rửa, hút ẩm tốt, lâu khô. Để lâu ngày sẽ gây ra tình trạng ẩm mốc và trở thành môi trường phát triển thuận lợi cho các loại vi khuẩn nguy hiểm.
Khi cắt hoặc chặt thức ăn trên thớt, những mảnh vụn sẽ bám lại trên mặt thớt. Lâu ngày những thứ này sẽ biến đổi thành các loại vi khuẩn nguy hiểm cho cơ thể. Trong đó độc tố nấm aflatoxin sinh ra từ nấm mốc được coi là nguy hiểm nhất.
Aflatoxin tạo ra các ảnh hưởng về mặt hóa sinh lên tế bào dẫn đến gây quái thai, gây ung thư. Nếu hấp thu 2,5mg aflatoxin trong 89 ngày thì chỉ 1 năm sau đó cơ thể con người sẽ xuất hiện các triệu chứng ung thư gan.
Điều đáng chú ý là việc chùi rửa bình thường cũng không thể rửa sạch aflatoxin. Aflatoxin chịu được nhiệt độ rất cao lên đến hơn 280 độ C vì vậy biện pháp luộc nước sôi hoàn toàn vô dụng.
Để vệ sinh thớt sau khi dùng, bạn có thể làm theo các cách sau:
Dùng giấm hoặc chanh: Sau khi cắt thịt cá, mùi hôi bám trên thớt rất khó chùi rửa. Chúng ta chỉ cần dùng giấm chua hoặc chanh để khử mùi hôi và tiệt trùng. Sau khi sử dụng, lấy dấm xoa lên mặt thớt, dùng khăn sạch lau mặt thớt vài lần mới rửa lại bằng nước sạch. Đặt thớt ở nơi khô ráo sạch sẽ là được.
Dùng muối: Nhúng thớt vào nước sạch rồi rải một lớp muối mỏng lên mặt thớt. Nửa tiếng sau mới rửa lại bằng nước sạch.
Dùng gừng: Sau khi rửa sạch thớt, dùng một miếng gừng nhỏ chà khắp mặt thớt. Rửa sạch bằng nước rồi chùi lại thêm 1 lần nữa. Cách này có thể khử sạch mùi hôi và diệt vi khuẩn trên mặt thớt.
Phơi nắng: Đây là biện pháp cực kì đơn giản nhưng lại rất hiệu quả. Sau khi làm vệ sinh thớt sạch sẽ, phơi thớt dưới ánh nắng mặt trời.
T.H (th)