Tin mới

Sử dụng Flycam trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

PV 08/12/2023 06:13

Flycam còn có tên gọi khác là Flying Camera hay là máy bay điều khiển từ xa. Flycam là một thiết bị bay có gắn camera và được điều khiển từ xa để chụp ảnh, quay video.

Theo Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh và cộng sự, căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Nghị Định 36/2008/NĐ-CP quy định như sau: Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó. Theo đó, Flycam được xem như là tàu bay không người lái.
Theo quy định hiện nay, các cá nhân, tổ chức trước khi điều khiển flycam phải làm thủ tục xin phép bay. Chỉ được tổ chức bay khi đã được cấp phép.

flycam.jpg
Sử dụng Flycam trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng.

Điều 14 Chương 3 Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về Quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ nghiêm cấm các hành vi tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay; tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Về hồ sơ đề nghị cấp phép bay, Điều 9 Chương III Nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định trước khi diễn ra các chuyến bay 7 ngày, tổ chức/cá nhân cần nộp đơn đề nghị cấp phép bay lên Cục Tác chiến (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng), gồm tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc cá nhân, tổ chức được cấp phép; đặc điểm nhận dạng flycam, bao gồm phụ lục ảnh chụp, thông số kỹ thuật, thuyết minh tính năng kỹ thuật; khu vực được tổ chức hoạt động bay, hướng bay, vệt bay; mục đích, thời hạn, thời gian được tổ chức bay…
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục Tác chiến cấp phép tổ chức thực hiện các chuyến bay.

Ngoài giấy phép bay do Bộ Tổng tham mưu cấp, khi ghi hình tại các cơ quan, xí nghiệp, công ty, người điều khiển flycam cũng cần xin phép những nơi này trước.

Theo Điều 3 Quyết định 18/2020/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, những khu vực bị cấm theo luật sử dụng flycam gồm:
Khu vực các công trình quốc phòng và khu quân sự đặc biệt quan trọng do Chính phủ ủy quyền cho Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo việc quản lý, bảo vệ.

Khu vực trụ sở làm việc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành trung ương; trụ sở Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trụ sở làm việc của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Khoảng cách từ tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ hoạt động đến ranh giới khu vực cấm theo chiều ngang không nhỏ hơn 200 m ở mọi độ cao.

Khu vực đóng quân; khu vực triển khai lực lượng, trang bị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu, bảo vệ mục tiêu; khu vực kho tàng, nhà máy, căn cứ (trung tâm) hậu cần, kỹ thuật, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ của các lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; khu vực các công trình trong danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia,....

Còn tại Điều 4 Quyết định 18/2020/QĐ-TTg, khu vực hạn chế bay gồm: Khu vực vùng trời có độ cao lớn hơn 120 m so với địa hình (không bao gồm vùng trời các khu vực cấm bay quy định tại Điều 3 Quyết định này); Khu vực tập trung đông người...

Về chế tài xử phạt: tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra thì người vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 10 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ khi chưa có phép bay do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Nếu có căn cứ xác định việc sử dụng thiết bị bay không được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, gây mất an ninh trật tự tại địa bàn khu dân cư (có Báo cáo của chính quyền địa phương) thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công công theo quy định tại Điều 318 Bộ luật hình sự.

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;
c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;
d) Xúi giục người khác gây rối;
đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;
e) Tái phạm nguy hiểm.

flycam(1).jpg

PV