Ông Vương Tấn Việt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Theo luật sư Nguyễn Văn Dương, ông Vương Tấn Việt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cơ quan chức năng kết luận chữ ký con dấu trong bằng tốt nghiệp cấp 3 là giả.
Trong khi đó, ông Vương Tấn Việt vẫn có thể học đại học rồi sau đó học tiến sĩ và được cấp bằng Tiến sĩ của Trường Đại học Luật Hà Nội. Hiện Bộ GD&ĐT cho biết đã bước đầu xác minh được việc nghi vấn về giá trị của tấm bằng này là có căn cứ và đang cùng cơ quan an ninh tiếp tục làm rõ.
Văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong trường hợp nào?
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Nguyễn Văn Dương - Giám đốc Công ty Luật TNHH Andy Law cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành những thông tư riêng để quy định về quy chế đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Theo đó, khoản 3 Điều 20 Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học quy định người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ.Khoản 1, Điều 5 Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT cũng đã nêu rõ điều kiện dự tuyển khi tuyển sinh đại học bắt buộc đã được công nhận tốt nghiệp THPT của Việt Nam hoặc người đã có bằng tốt nghiệp trung cấp ngành nghề thuộc cùng nhóm ngành dự tuyển và đã hoàn thành đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa cấp THPT.Đối với quy chế tuyển sinh và đạo tạo trình độ thạc sĩ, điểm a khoản 3 Điều 16 Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT quy định: "Học viên vi phạm một trong các quy định sau đây sẽ bị buộc thôi học; bằng thạc sĩ nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ: Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, bảo vệ luận văn, đề án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ.Trường hợp học tiến sĩ, điểm b khoản 5 Điều 21 Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT cũng nêu rõ nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện trong những trường hợp: Hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm, sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo; sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận án và bị Hội đồng thẩm định kết luận nếu cắt bỏ những phần sao chép, trích dẫn đó thì luận án không đáp ứng yêu cầu quy định của Quy chế này; luận án của nghiên cứu sinh không được Hội đồng thẩm định thông qua theo quy định.Tại Điều 25 Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT cũng quy định, văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp sau đây: Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ; Cấp cho người không đủ điều kiện; Do người không có thẩm quyền cấp; Bị tẩy xóa, sửa chữa; Để cho người khác sử dụng; Do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ."Như vậy, căn cứ vào các thông tư trên có thể thấy theo quy chế hiện nay thì một cá nhân phải tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện dự tuyển học đại học, phải có văn bằng tốt nghiệp đại học mới đủ điều kiện học thạc sĩ và phải có văn bằng tốt nghiệp thạc sĩ mới đủ điều kiện tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ. Do vậy, nếu ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) không có văn bằng tốt nghiệp THPT/sử dụng văn bằng giả để dự tuyển đã không đủ điều kiện học trình độ đại học và văn bằng đại học sẽ bị thu hồi, hủy bỏ. Điều này kéo theo văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt sau đó cũng sẽ bị thu hồi, hủy bỏ".