Luật sư của bạn

Rửa tiền là gì? Doanh nghiệp có chịu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền không?

Th 15/05/2024 06:35

Rửa tiền là gì? Những hành vi nào được coi là rửa tiền? Doanh nghiệp có chịu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền không? Rất mong được giải đáp thắc mắc! – Hà Vi (Đồng Nai).

1. Rửa tiền là gì? Những hành vi nào được coi là rửa tiền?

1.1. Rửa tiền là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.

Trong đó, tiền bao gồm Việt Nam đồng, ngoại tệ; có thể là tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản. Tài sản bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó (theo khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP).

1.2. Những hành vi nào được coi là rửa tiền?

Căn cứ khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 122 Điều 1 Luật số 12/2017/QH14), các hành vi sau đây được coi là rửa tiền:

(i) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có.

(ii) Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác.

(iii) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.

(iv) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm (i) (ii) (iii) nêu trên đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.

tội rữa tiền

Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)

2. Doanh nghiệp phạm tội rửa tiền chịu trách nhiệm hình sự như thế nào?

Căn cứ khoản 6 Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 122 Điều 1 Luật số 12/2017/QH14), doanh nghiệp phạm tội rửa tiền, bị phạt như sau:

(i) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Mục 1.2 nêu trên bị phạt tiền từ 1tỷ đồng đến 5 tỷ đồng.

(ii) Phạm tội thuộc một trong các tình tiết tăng nặng sau thì bị phạt tiền từ 5 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng:

- Có tổ chức.

- Phạm tội 02 lần trở lên.

- Có tính chất chuyên nghiệp.

- Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

- Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng.

- Tái phạm nguy hiểm.

(iii) Phạm tội với số tiền, tài sản phạm tội trị giá 500 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia thì bị phạt tiền từ 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.

(iv) Phạm tội thuộc trường hợp gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra hoặc doanh nghiệp được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

(v) Doanh nghiệp còn có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Rửa tiền là gì? Doanh nghiệp có chịu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO