Sát thủ máu lạnh nổ súng khiến 2 người thương vong ở Thái Nguyên có thể đối diện án tử hình

Thanh Hải 28/08/2020 09:13

PLBĐ - Luật sư cho rằng, đối tượng nổ súng khiến 2 người thương vong ở Thái Nguyên sau khi gây án đã bỏ trốn, không đầu thú nên khó có thể thoát được mức án cao nhất của tội "Giết người" là tử hình.

Khoảng 20h ngày 26/8, Nông Văn Tú (SN 1988, trú tại tổ dân phố Tân Thành 2, phường Đồng Bẩm, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) đã dùng súng bắn gục đôi nam nữ đang chạy xe máy trên đường tại Thái Nguyên. Vụ việc khiến chị Trần Thị Trang (SN 1987, trú tổ 19 phường Quán Triều, TP Thái Nguyên) tử vong, anh Nguyễn Tiến Tùng (SN 1988, trú tổ 21 phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên - là chồng đã ly hôn của chị Trang) bị thương nặng. Sau 4 giờ gây án, Tú bị công an bắt giữ khi đang lẩn trốn ở Bắc Giang.

Liên quan đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP. HCM) cho rằng, hành vi của Tú đã cấu thành tội "Giết người" theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017): Người nào giết từ 2 người trở lên sẽ bị phạt từ 12-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

"Hiện nạn nhân Nguyễn Tiến Tùng có tình trạng sức khỏe nguy kịch và đang được cấp cứu ở bệnh viện, nhưng dù cho anh Tùng có khỏe mạnh trở lại thì nghi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên", luật sư Bình nói.

Luật sư cũng nhấn mạnh, nghi phạm Nông Văn Tú sau khi gây án đã bỏ trốn, không đầu thú nên khó có thể thoát được mức án cao nhất của tội "Giết người" là tử hình.

44-1598501709936
Nông Văn Tú tại cơ quan công an. (Ảnh: CACC)

Bên cạnh đó, luật sư Bình cho rằng, cơ quan điều tra cần làm rõ khẩu súng mà đối tượng sử dụng để gây án có phải là vũ khí quân dụng hay không. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hung khí trên là vũ khí quân dụng hoặc là súng thể thao nhưng có tính năng tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, đối tượng này còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự" được quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự 2015.

Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần điều tra, làm rõ có hay không hành vi cho vay nặng lãi để bắt nghi phạm chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015.

11858844517214783946840224954150385549940637n-15984533646851449745134-15984534073491407719038
Hai nạn nhân tại hiện trường vụ nổ súng. (Ảnh: MXH)

Như đã đưa tin, khoảng 20h ngày 26/8, tại tổ 7, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên, chị Trần Thị Trang và anh Nguyễn Tiến Tùng đang chở nhau trên xe máy thì bất ngờ bị Tú áp sát dùng súng bắn. Vụ nổ súng khiến chị Trang tử vong tại chỗ, anh Tùng bị thương nặng và được lực lượng Công an đưa đi cấp cứu.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo lực lượng chức năng nhanh chóng điều tra, truy bắt đối tượng. 

Đến 23h15 cùng ngày, Phòng CSHS Công an tỉnh Thái Nguyên đã bắt được đối tượng Nông Văn Tú tại một quán ăn ở thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Tại cơ quan Công an, Tú thừa nhận gây ra vụ nổ súng trên và cho biết nguyên nhân xuất phát từ việc chị Trang nợ tiền của Tú nhưng không trả.

Tú khai, vào năm 2017, chị Trần Thị Trang vay của hắn số tiền 50 triệu đồng nhưng chị này bỏ trốn và không có ý định trả mặc dù đối tượng đã nhiều lần đòi.

Sau đó, chị Trang còn có những lời lẽ thách thức Tú về việc không trả nợ. Cách đây một thời gian, Tú gặp chị Trang ở chợ. Do bức xúc về việc người phụ nữ này vay tiền nhưng không trả còn buông lời thách thức nên Tú đã đánh nạn nhân gãy tay.

Khi Trang vào viện, vợ Tú có đưa 30 triệu tiền mặt để bồi thường. Sau đó, nạn nhân làm đơn trình báo lên Công an TP Thái Nguyên và đòi thêm 160 triệu đồng làm điều kiện rút đơn. Trừ 50 triệu đã nợ trước đó, Tú phải đưa 130 triệu. 

Tuy nhiên, gia đình Tú chỉ góp được 120 triệu đồng và đã xin nhiều lần nhưng chị Trang không đồng ý rút đơn. Đến tối 26/8, do bức xúc dồn nén, Tú đã mang hung khí đi gây án mạng.

Hiện vụ án vẫn đang được cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên tiếp tục điều tra, làm rõ.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 2 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;

h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;

k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;

l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;

m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;

n) Có tính chất côn đồ;

o) Có tổ chức;

p) Tái phạm nguy hiểm;

q) Vì động cơ đê hèn.

Điều 304. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;

c) Làm chết người;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

g) Vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc có giá trị lớn;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 2 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc có giá trị rất lớn

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;

d) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn hoặc có giá trị đặc biệt lớn.”.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.  

T.H (th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sát thủ máu lạnh nổ súng khiến 2 người thương vong ở Thái Nguyên có thể đối diện án tử hình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO