Sốc phản vệ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh

Mai Nguyên 23/09/2022 14:47

PLBĐ - Theo chuyên gia, thuốc là nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu cho người bệnh. Các đường thuốc đưa vào cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, trong da; uống, xông, nhỏ mắt, đặt âm đạo hay thuốc bôi ngoài da đều có thể gây sốc phản vệ.

Nguyên nhân, triệu chứng của sốc phản vệ

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Tổ chức Dị ứng Thế Giới (WAO) định nghĩa "sốc phản vệ" là "phản ứng dị ứng cấp tính và nguy kịch nhất có nguy cơ gây tử vong, và là tình trạng tăng quá mẫn xảy ra tức thì khi cơ thể tiếp xúc với một dị nguyên ở một người trước đó đã được mẫn cảm, hậu quả gây giải phóng ồ ạt các chất trung gian hóa học gây tác động nhiều tới các cơ quan đích".

Nói nôm na hơn, "sốc phản vệ" là một phản ứng dị ứng có ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và được coi là một cấp cứu y tế, do phản ứng đe dọa tính mạng này có thể xảy ra bất cứ khi nào trong thời gian ngắn sau khi cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức, do gây tụt huyết áp nghiêm trọng và tắc nghẽn đường thở dẫn đến suy hô hấp cấp.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức cũng cho biết thuốc là nguyên nhân gây sốc phản vệ hàng đầu cho người bệnh. Các đường thuốc đưa vào cơ thể như tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, trong da; uống, xông, nhỏ mắt, đặt âm đạo hay thuốc bôi ngoài da đều có thể gây sốc phản vệ. Tuy nhiên, đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất.

Sốc phản vệ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (internet).

"Tất cả các loại thuốc đều có thể gây sốc phản vệ cho người bệnh, hay gặp nhất là thuốc kháng sinh họ β lactam, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giãn cơ, thuốc chống co giật, thuốc cản quang, thuốc gây tê, gây mê…

Những loại thức ăn có nguồn gốc động thực vật cũng có thể gây sốc phản vệ như: cá biển (cá thu, cá ngừ), tôm, tép, ốc, trứng, sữa, dứa, khoai tây, lạc, đậu nành, các loại hạt và các chất phụ gia.…", PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức cho hay.

Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, những người có các triệu chứng thông thường của dị ứng có thể bị sốc phản vệ khi tiếp xúc với dị ứng nguyên, có thể bao gồm: Da ngứa hoặc phát ban, chảy nước mũi, hắt hơi, miệng ngứa, họng, khó nuốt hoặc môi và lưỡi sưng, chân tay sưng, ho, chuột rút hoặc tiêu chảy, nôn mửa nhiều…

Một số triệu chứng của sốc phản vệ cần được cấp cứu ngay bao gồm: Khó thở hoặc thở khó chịu, đau ngực, huyết áp thấp, mạch yếu và nhanh, chóng mặt, lẫn lộn.

Sốc phản vệ có thể xảy ra rất sớm hay đôi khi muộn hơn sau một vài giờ, nhưng khi đã xảy ra sốc phản vệ, diễn tiến sẽ rất nhanh trong vòng 1–2 phút và chuyển sang trạng thái nguy kịch, lúc này rất khó để đảo ngược tình huống. Người bệnh cần được điều trị trong vòng 30 đến 60 phút vì có thể gây tử vong.

Để phòng tránh bị sốc phản vệ do thuốc, PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức khuyên:

Nếu bạn có tiền sử dị ứng, hãy trao đổi thật kỹ với bác sĩ khi được kê đơn thuốc vì những người như bạn sẽ rất dễ bị dị ứng khi dùng thuốc.

Khi đang tiêm thuốc, nếu thấy có những cảm giác khác thường như bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi, tê lưỡi.. hãy nói ngay với bác sĩ để ngừng tiêm và kịp thời xử lý như bị sốc phản vệ.

Sau khi tiêm thuốc xong nên ở lại phòng tiêm khoảng 15-30 phút, không nên ra về ngay đề phòng sốc phản vệ xảy ra muộn hơn với tùy cơ địa từng người.

Sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, đúng chỉ định.

Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ để xét phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường. Với những người có cơ địa dị ứng sẽ rất dễ bị sốc phản vệ do ăn uống những đồ có chất lạ.

Nhiều trường hợp sốc phản vệ do thuốc

Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp bị sốc phản vệ do thuốc. Cụ thể như mới đây nhất các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đã cấp cứu thành công bệnh nhi 31 tháng tuổi (trú tại Phú Thọ) bị sốc phản vệ do dùng thuốc.

Bệnh nhân nhi nhập viện điều trị nội trú từ ngày 15/9 với chẩn đoán, viêm tiểu phế quản cấp, viêm tai giữa hai bên. Bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh amoxicilin.

Sốc phản vệ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh - Ảnh 2.

Nhân viên y tế ôm bé chạy đến Khoa Hồi sức cấp cứu (Ảnh cắt từ camera).

Chiều ngày 18/9, sau khi tiêm bé vẫn hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, ngay sau khi các điều dưỡng ra khỏi phòng để đi thực hiện y lệnh ở các buồng bệnh khác thì bệnh nhi có những diễn biến xấu. Bé đột ngột tím tái, mệt lả. Nhân viên y tế gần đó ngay lập tức nghĩ đến tình trạng phản vệ nặng nên đã ôm bé chạy thẳng đến Khoa hồi sức tích cực cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhi tiếp tục có những diễn biến rất xấu, mạch nhanh, nhỏ khó bắt, SPO2 tụt, huyết áp không đo được, toàn thân tím tái và rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Ngay lập tức các bác sĩ trực đã kích hoạt báo động đỏ toàn viện, sử dụng thuốc cấp cứu sốc phản vệ mà chủ lực vẫn là Adrenalin, các thuốc vận mạch khác. Đồng thời, đặt nội khí quản, bóp bóng và sau đó cho bé thở máy, chuẩn bị sẵn các kịch bản cấp cứu ngừng tuần hoàn, lọc máu cấp cứu... Ngoài ra, các bác sĩ của bệnh viện đã thiết lập hệ thống hội chẩn online với các bác sĩ Hồi sức tích cực của bệnh viện Nhi Trung ương để chuẩn bị cho những tình huống xấu và nặng nề hơn.

Nhờ sự nỗ lực của các bác sĩ, sau hơn gần 20 giờ chiến đấu không mệt mỏi, hiện tại bé đã cai máy, tự thở, đã tiếp xúc tốt và có thể tự ăn, uống. Bệnh viện cho rằng, đây là một ca sốc phản vệ thuộc loại đặc biệt nguy kịch đã được cấp cứu kịp thời và đúng phác đồ.

Giữa tháng 8/2022, các y bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất tiếp nhận nam bệnh nhân 56 tuổi ở huyện Thạch Thất, Hà Nội trong tình trạng phù nề toàn bộ hai mắt, vùng môi, khàn tiếng, khó thở, tim nhịp không đều, huyết áp tụt… sau khi uống thuốc điều trị đau răng do nhân viên bán thuốc gần nhà "kê đơn".

Sau khi thăm khám, bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Bệnh nhân có dấu hiệu giảm khó thở, nhưng hai mắt và môi vẫn sưng nề. Sau cấp cứu bệnh nhân dần ổn định và chuyển điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu. Được biết trước đó bệnh nhân này cũng đã từng xuất hiện tình trạng tương tự sau khi dùng loại thuốc này.

Hay như vào đầu tháng 6/2022, bệnh nhi tên T.B. (3 tuổi, ở Sơn La) cũng bị sốc phản vệ sau khi được các bác sĩ ở bệnh viện địa phương tiêm kháng sinh chứa thành phần ampicilin và sulbactam. Sau tiêm mũi thứ 3, bệnh nhi xuất hiện tím tái, co giật toàn thân, trào bọt hồng, được chẩn đoán phù phổi cấp, suy tuần hoàn/ sốc phản vệ độ III sau tiêm kháng sinh.

Rất may mắn bệnh nhi T.B. đã được ekip ECMO gồm các bác sĩ, điều dưỡng khoa Điều trị tích cực Nội khoa và Ngoại Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương lên Sơn La hỗ trợ cấp cứu, đặt ECMO, ổn định bệnh nhi và vận chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương ngay trong đêm để tiếp tục điều trị.

Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng trước chuyến đi, cùng sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa và  2 Bệnh viện, quá trình phẫu thuật đặt ECMO cho bệnh nhi diễn ra tương đối thuận lợi. Trẻ đáp ứng tốt sau khi được sử dụng ECMO. Sau 5 ngày được điều trị tích cực tại khoa Điều trị tích cực Nội khoa, bệnh nhi đã được rút ECMO và cai oxy.

Sốc phản vệ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh - Ảnh 3.

Qua 5 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân V.T. đã tạm ổn.

Một trường hợp khác cũng bị cốc phản vệ sau khi dùng kháng sinh vào giữa tháng 6 vừa qua là ông V.T. (49 tuổi trú tại Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam). Ông T. có tiền sử dị ứng với thuốc kháng sinh Amoxicillin tuy nhiên khi đau họng, thay vì đi khám thì ông này đã tự ý lấy thuốc kháng sinh trong toa thuốc của vợ để uống. Sau uống, ông thấy người mệt lả, nổi ban đỏ, phù mặt, nhức mỏi tay chân nên được người nhà đưa vào cấp cứu.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch: Đau đầu chóng mặt, mệt ngực, đau quặn bụng, huyết áp tụt, mạch nhanh nhỏ khó bắt. Các bác sĩ chẩn đoán ông bị phản vệ độ III.

Xác định đây là trường hợp người bệnh rất nặng, ngay lập tức các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa Khoa Khu vực Quảng Nam tiến hành cấp cứu và điều trị tích cực. Qua 5 ngày điều trị, hiện sức khỏe bệnh nhân đã tạm ổn. Huyết áp và các dấu hiệu sinh tồn ổn định, hiện bệnh nhân đã có thể tự sinh hoạt, đi lại bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sốc phản vệ: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO