Vàng bình ổn, lãi suất tiết kiệm tăng ở mức thấp, chuyên gia cho rằng 13,5 triệu tỷ tiền gửi Ngân hàng sẽ chuyển hướng về bất động sản

Lê Na 08/07/2024 14:14

"Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 13,5 triệu tỷ đồng tiền gửi trong 2023. Sắp tới số tiền này sẽ đi đâu và họ sẽ sử dụng kênh nào để neo đậu? Tôi tin rằng bất động sản vẫn là một trong những kênh mà họ lựa chọn trong thời gian tới”, ông Trần Quang Trung - Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing cho biết.

Với các biện pháp bình ổn thị trường của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua, giá vàng trong nước đang trong xu hướng giảm về gần với ngưỡng giá vàng thế giới. 

Hiện tại, lãi suất huy động hầu hết ngân hàng đang tăng trở lại. Nguyên nhân đẩy lãi suất tiết kiệm tăng lại được cho là do tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sụt giảm trong tháng 1 đầu năm nay. Hơn nữa, lãi suất tiền gửi liên tục dò “đáy” sâu khiến dòng tiền chuyển hướng sang dần các kênh đầu tư khác. 

Trước thực trạng này, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng, xu hướng nhiều nhà băng phải tăng lãi suất huy động nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn. Ngoài ra, trong năm 2024, có một số yếu tố cũng gây bất lợi cho lãi suất bao gồm: lạm phát tăng cao hơn năm 2023, dự kiến khoảng 3,4%; tỷ giá neo cao; giá vàng biến động và nhiều thời điểm tăng mạnh...

Thế nhưng, ông Hiển nhận định, với chính sách kiểm soát của Nhà nước, đặc biệt là không cho phép các ngân hàng cho vay dưới chuẩn, tiết kiệm chi phí để giảm lãi vay; tăng lãi suất cao để huy động vốn do nguồn thu nợ gặp khó thì lãi tiết kiệm có tăng cũng không quá 1% so với năm 2023.

Đề cập đến dòng tiền đáo hạn sổ tiết kiệm sẽ chảy vào đâu trong thời gian tới, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing cho biết: "Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 13,5 triệu tỷ đồng tiền gửi trong 2023. Sắp tới số tiền này sẽ đi đâu và họ sẽ sử dụng kênh nào để neo đậu? Tôi tin rằng bất động sản vẫn là một trong những kênh mà họ lựa chọn trong thời gian tới".

Cũng theo báo cáo gần đây của OneHousing cho biết, hơn 50% người được hỏi đang cân nhắc và tích cực chuẩn bị mua nhà trong 1 năm tới. Phần lớn nhóm khách hàng này có thu nhập trung lưu và có nguồn tài chính sẵn để giao dịch.

Bên cạnh đó, theo ông Trung đánh giá, thị trường Hà Nội đang khởi đầu cho một chu kỳ mới. “Sóng” ở giai đoạn quý 1 chỉ đáp ứng cho những người mua nhà, nhà đầu tư có nhu cầu cấp bách và họ có dòng tiền nhàn rỗi trước. Còn rất nhiều khách hàng, các nhà đầu tư đang trong thời gian chờ hoặc quan sát thêm.

Dưới góc độ đơn vị nghiên cứu, Hội Môi giới bất động sản (VARS) đánh giá sau khi trải qua trận ốm "thập tử nhất sinh", các chủ thể còn tồn tại sẽ có được kháng thể. VARS dự báo, dòng tiền đáo hạn tại ngân hàng sẽ tìm các kênh đầu tư đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn hơn, trong đó có bất động sản, đặc biệt là các sản phẩm đất nền với giá trị đầu tư không quá cao và sở hữu tiềm năng sinh lời lớn.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group cũng từng nhận định, bất động sản vẫn luôn được đánh giá là kênh hút vốn, giữ dòng tiền an toàn, bền vững, đáp ứng được với nhu cầu "giữ tài sản" của đại đa số người dân hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu mua nhà thực tế của người dân thời điểm này đang rất cao, bất động sản sẽ càng là lĩnh vực đầu tư thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. 

Còn theo quan điểm của TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia Tài chính: “Thực tế trên thị trường bất động sản cho thấy, hiện nay nhiều người đã rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng đầu tư vào bất động sản, đợi lên giá và bán, trong thời gian ngắn gọi là đầu cơ, một số người đợi lâu để đầu tư. Dù đầu tư hay đầu cơ thì điều quan trọng nhất chúng ta quan tâm là tính thanh khoản".

Theo Đời sống Pháp luật
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vàng bình ổn, lãi suất tiết kiệm tăng ở mức thấp, chuyên gia cho rằng 13,5 triệu tỷ tiền gửi Ngân hàng sẽ chuyển hướng về bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO