Để chắc bụng, thay vì ăn bún, miến, cháo, nhiều người lựa chọn ăn cơm song có ý kiến cho rằng ăn sáng bằng cơm không tốt cho sức khoẻ, điều này có đúng?
Theo tiến sĩ Từ Ngữ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam, không bỗng dưng mà có câu nói "sáng ăn như vua, trưa ăn như chúa, tối ăn như bần cố nông". Nghĩa là bữa sáng cơ thể cần được ăn nhiều nhất, vì cả đêm và rạng sáng con người mất khoảng 15 giờ không ăn gì, dạ dày luôn trống rỗng.
Về nguyên lý hoạt động dinh dưỡng cho cơ thể, sau thời gian này cơ thể cần bổ sung năng lượng, chưa kể cả một ngày dài lao động trước mắt cần rất nhiều năng lượng. Vì thế, bữa sáng là rất cần thiết.
Nếu duy trì thói quen ăn sáng đầy đủ thì bữa sáng chính là bữa ăn cung cấp đáng kể lượng canxi, các vitamin thiết yếu và khoáng chất (vitamin A và vitamin C, kẽm và sắt) ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Thực tế, việc ăn sáng là vấn đề của từng người, ăn thứ gì, ăn ra sao, làm sao cho hợp túi tiền, ăn thế nào là đủ là tuỳ lựa chọn mỗi người.
Nếu lựa chọn cơm cho bữa sáng thì thành phần carbohydrate và vitamin B9 trong gạo sẽ cung cấp đầy đủ năng lượng cho ngày mới. Chuyên gia khuyến cáo, bữa cơm buổi sáng nên chuẩn bị tươm tất gồm, cơm, thức ăn và rau mới nấu, hạn chế dùng lại đồ ăn thừa từ buổi tối hôm trước.
Nếu bạn lựa chọn một gói xôi xéo (gồm xôi, đậu xanh, mỡ, hành phi) làm bữa ăn sáng là đã bao gồm protein, lipid, và gluxit. Còn nếu bạn chọn ăn một bát bún vịt, bún chả thì ngoài các chất dinh dưỡng kể trên còn có thêm chất xơ trong hành, rau thơm.
Tiến sĩ Từ Ngữ dẫn một nghiên cứu cho thấy, bữa ăn hợp lý, kể cả về mặt sinh lý con người, kinh tế, môi trường, văn hóa, protein chỉ chiếm 13 - 15% thành phần của bữa ăn. Lipid thì tùy theo môi trường sống là nóng hay lạnh, mùa đông chúng ta ăn nhiều lipid hơn, mùa hè ăn ít hơn.
Người ở các nước châu Âu thường ăn nhiều lipid, trong khi người Việt Nam ăn ít, nhưng nó vẫn cần đạt đến mức 25 - 30%. Như vậy kết hợp cả hai lên đến 40 - 50% protein và lipid. Còn lại 50% là gluxit.
Có thể bữa này ăn toàn cơm, bữa sau ăn toàn thịt, như thế tạm được chấp nhận, nhưng nếu tách ra như vậy, không gọi là bữa ăn khoa học. Bữa ăn khoa học là phải cân đối giữa các món ăn.
Cũng theo chuyên gia, dinh dưỡng gồm hai phần, phần chung có thể đúng với rất nhiều người, phần riêng lại có khi không đúng với ai cả. Tức là dinh dưỡng như thế nào cho phù hợp thì còn phụ thuộc hoàn toàn vào cơ chế sinh hoạt và hấp thu của từng cá nhân.
Về bữa sáng, thói quen ăn sáng theo giờ giấc cũng phần nào ảnh hưởng đến năng lượng cơ thể con người và tùy từng ngành nghề, không có thước đo chung. Tuyệt đối không nên ăn sáng muộn đến 10 giờ sáng vì quá gần bữa ăn trưa, như vậy sẽ không tốt cho sức khỏe.