Các biểu hiện sớm ung thư phổi giai đoạn đầu không nên bỏ qua

Mai Nguyên 16/09/2022 19:44

PLBĐ - Theo các chuyên gia, ung thư phổi có khả năng điều trị khỏi nếu được phát hiện và điều trị đúng cách ở giai đoạn sớm.

Nguyên nhân của bệnh ung thư phổi

Theo Ths.Bs Minh Thiện, thống kê tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Với tốc độ phát triển dân số và sự gia tăng tuổi thọ như hiện nay thì ước tính đến năm 2050, thế giới sẽ có thêm khoảng 27 triệu trường hợp ung thư mới mắc và khoảng 17,5 triệu bệnh nhân tử vong mỗi năm; trong đó phải kể đến ung thư phổi, căn nguyên gây tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu với thể ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm đến 85% các trường hợp.

Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm thì bạn có thể có phương pháp điều trị hiệu quả hơn rất nhiều. Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Theo các nhà nghiên cứu, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi chủ yếu là do hút thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điếu, cho đến nay là tác nhân chính gây ra ung thư phổi. Trong khói thuốc lá có chứa ít nhất 73 chất ung thư.

Tại các nước phát triển, theo thống kê khoảng 90% số ca tử vong do ung thư phổi ở nam giới trong năm 2000 được cho là do hút thuốc, tỉ lệ này đối với phụ nữ là 70%. Hút thuốc cũng là nguyên nhân của khoảng 85% số ca mắc bệnh.

Ngoài ra Amiăng là loại chất có thể gây ra nhiều loại bệnh ở phổi khác nhau, trong đó có ung thư phổi. Hút thuốc lá và amiăng có ảnh hưởng kết hợp trong việc dẫn tới sự hình thành ung thư phổi.

Các biểu hiện sớm ung thư phổi giai đoạn đầu không nên bỏ qua - Ảnh 1.

Tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ nhất trong 10 loại ung thư thường gặp trên cả hai giới và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. (Ảnh minh họa).

Ô nhiễm không khí ngoài trời có một tác động nhỏ đến sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Các hạt vật chất nhỏ (bụi PM2.5) và các sol khí sunfat (có trong khí thải xe cộ) có liên quan tới sự gia tăng nguy cơ nhẹ. Lượng NO2 trong không khí tăng lên 10 phần tỉ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 14%.

Một số khói bụi như: than đá, nhựa, bồ hóng, khí thải động cơ diesel, khí độc metyl ete dùng trong công nghiệp, sơn…cũng gây nguy cơ ung thư phổi.

Các biểu hiện sớm ung thư phổi giai đoạn đầu

Theo ThS.BSCKII. Nguyễn Quốc Dũng, biểu hiện hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài nhưng rất nhiều người hay chủ quan nghĩ rằng ho do viêm họng. Thực tế cho thấy khoảng 50-70% các trường hợp ung thư phổi có biểu hiện ho và đa phần người bệnh không được điều trị khỏi bằng các biện pháp điều trị thông thường.

Ung thư phổi ở giai đoạn sớm người bệnh cũng thường có biểu hiện khó thở, thở khò khè, giọng nói cũng thay đổi và trở nên khàn giọng… tuy nhiên nhiều người cho rằng làm việc quá sức, hoặc mắc bệnh viêm họng, cảm cúm nên dẫn đến tình trạng này. Trên thực tế, các biểu hiện trên có thể là triệu chứng báo hiệu có khối u phát triển trong phổi gây cản trở việc hô hấp.

Các biểu hiện thông thường khiến nhiều người chủ quan là dễ mệt mỏi, đau nhức cơ. Với biểu hiện thường ngày nhiều người cho rằng liên quan đến công việc nặng nhọc, đi lại nhiều, căng thẳng… nên rất dễ bỏ qua. Trong khi các biểu hiện này rất có thể mắc các bệnh nghiêm trọng trong đó có ung thư phổi. Nguyên nhân chính là các chất do các tế bào ung thư sản sinh ra sẽ trực tiếp tác động đến quá trình trao đổi oxy, sản xuất máu và kiểm soát quá trình phòng thích năng lượng cơ thể.

Đột ngột giảm cân không rõ nguyên nhân không liên quan đến việc bạn cắt giảm calo hoặc tập thể dục thì rất có thể là do bệnh tật nguy hiểm trong đó có ung thư phổi. Ngoài ra người bệnh còn có những dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn đầu ít gặp hơn như: Cảm thấy khi ăn nuốt khó; Thay đổi hình dạng màu sắc của ngón tay và móng tay; Da hơi nhợt nhạt; Tắc nghẽn mạch máu ở vùng mặt.

Ở giai đoạn muộn hơn chút thì ung thư phổi có thể gặp là: Khàn tiếng kèm theo nuốt khó, nuốt đau, nuốt nghẹn kéo dài, liên tục; Phù mặt tăng dần, kèm theo đau đầu, chóng mặt, tím mặt; người bệnh hay hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh.

Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm lại không có bất cứ triệu chứng gì. Vì vậy, cần đi khám để phát hiện và sàng lọc sớm ung thư phổi nếu thấy mình hoặc người thân trong gia đình có một hoặc nhiều triệu chứng nêu trên.

Phân loại ung thư phổi

Cũng theo ThS.BSCKII. Nguyễn Quốc Dũng, ung thư phổi hầu hết là ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia 4 giai đoạn:

Giai đoạn I: Khối u không lớn, chưa có di căn.

Giai đoạn II: Kích thước u không lớn hoặc tương đối lớn kết hợp với có di căn vào 1 hạch bạch huyết của phế quản – phổi.

Giai đoạn III: Khối u đã di căn khỏi giới hạn của phổi hoặc khối u có kèm theo di căn nhiều vào các hạch bạch huyết ngoại vi.

Giai đoạn IV: Khối u lan rộng vào các cơ quan lân cận và xâm nhiễm rộng tại chỗ, hoặc đã có di căn đi xa.

ThS.BSCKII. Nguyễn Quốc Dũng cũng cho biết, để chẩn đoán chính xác ung thư phổi, sau khi khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân làm một số chẩn đoán nhằm xác định ung thư hay không, giai đoạn mấy… để từ đó đưa ra phác đồ thích hợp để điều trị.

Các biểu hiện sớm ung thư phổi giai đoạn đầu không nên bỏ qua - Ảnh 2.

Ung thư phổi hầu hết là ung thư phổi không tế bào nhỏ được chia 4 giai đoạn. (Ảnh minh họa).

Các phương pháp chẩn đoán thường được áp dụng là: Chụp X quang lồng ngực thường được sử dụng để chẩn đoán ung thư phổi. Trên phim chụp X quang phổi thường có thể phát hiện được các đám mờ bất thường ở phổi. Tiếp đến là chụp cắt CT lồng để chẩn đoán ung thư phổi và đặc biệt có giá trị trong việc xếp giai đoạn đối với các hạch của trung thất và của rốn phổi.

Ngoài ra, còn có soi phế quản, soi trung thất …để chẩn đoán xác định ung thư phổi. Ngày nay việc xét nghiệm các chỉ điểm để chẩn đoán, chỉ định điều trị có thể thực hiện bằng cách lấy máu làm xét nghiệm. Xét nghiệm trực tiếp khối u thường có nhiều ưu điểm hơn so với gián tiếp qua lấy máu nhưng lấy máu luôn dễ dàng hơn và có vài ưu điểm riêng.

Phương pháp điều trị và phòng ngừa

Ths.Bs Minh Thiện cho biết, tùy từng giai đoạn mà các bác sĩ chỉ định cho phù hợp. Nhìn chung điều ung thư phổi cũng như điều trị ung thư khác là điều trị đa mô thức. Phẫu thuật hiệu quả điều trị cao khi bệnh giai đoạn sớm, có thể phẫu thuật nội soi.

Hóa trị sẽ được chỉ định điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật một số trường hợp.Phối hợp cùng xạ trị, hóa trị trong các giai đoạn III, IV. Đường dùng có nhiều lựa chọn phù hợp thể trạng người bệnh: truyền tĩnh mạch, uống. Ứng dụng hóa trị liều thấp cho bệnh nhân lớn tuổi, thể trạng kém.

Xạ trị sẽ được chỉ định một số trường hợp quá giai đoạn phẫu thuật, bệnh chưa di căn. Sau hóa trị, u còn tồn lưu. Chỉ định cho bệnh nhân thể trạng tốt, với mô phỏng 3D hoặc bằng PET/CT sẽ hạn chế tác dụng phụ.

Điều trị nhắm đích hiệu quả điều trị cao, có thể sử dụng cho bệnh nhân thể trạng kém, lớn tuổi.

Điều trị miễn dịch phương pháp điều trị mới, hiệu quả cao so các phương pháp khác bệnh nhân giai đoạn di căn xa.

Với ung thư phổi không tế bào nhỏ – giai đoạn sớm, thường người bệnh sẽ được mổ trước, sau đó có thể điều trị hóa chất, xạ trị, hoặc ra viện theo dõi. Giai đoạn muộn hơn, bạn có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau như hóa chất, xạ trị, đích, chăm sóc triệu chứng.

Với ung thư phổi loại tế bào nhỏ – Giai đoạn sớm, thường bạn sẽ được điều trị bằng hóa chất và tia xạ đồng thời. Giai đoạn muộn hơn, bạn sẽ được điều trị bằng hóa chất đơn thuần. Xạ trị chỉ áp dụng trong một số ít các trường hợp như khi khối u chèn ép lồng ngực gây đau, di căn não.

Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được điều trị bất cứ triệu chứng gì, ví dụ khó thở do tích tụ dịch trong khoang màng phổi, bác sĩ sẽ dẫn lưu dịch ra bên ngoài.

Để phòng ngừa ung thư phổi, Ths.Bs Minh Thiện cho rằng, cần phòng tránh các yếu tố nguy cơ, đặc biệt hút thuốc lá (chủ động và thụ động), không khí thoáng đảng, đeo bảo hộ lao động đúng. Khám sức khỏe định kì, đặc biệt người có yếu tố nguy cơ cao nên tầm soát sớm ung thư phổi.

Ngoài ra, cần thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, trong đó chọn một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau. Các vitamin và chất dinh dưỡng có nguồn từ thức ăn là tốt nhất. Tránh dùng vitamin liều cao dưới dạng thuốc viên vì chúng có thể gây hại. Tuy nhiên, kết quả cho thấy các chất bổ sung lại làm tăng nguy cơ ung thư ở người hút thuốc.

Tập thể dục thường xuyên, cần tập ít nhất 150 phút mỗi tuần hoặc thể dục gắng sức ít nhất 75 phút mỗi tuần. Có thể kết hợp của vận động vừa phải và gắng sức, nên bắt đầu từ từ và dần dần thêm nhiều hoạt động khác. Đi xe đạp, bơi lội và đi bộ là những lựa chọn tốt cho bạn đọc tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Các biểu hiện sớm ung thư phổi giai đoạn đầu không nên bỏ qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO