Muôn kiểu lừa đảo qua mạng khiến người dân sập bẫy

07/09/2023 16:51

Mặc dù cơ quan chức năng ở Nghệ An đã bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa đảo qua mạng nhưng người dân vẫn bị sập bẫy...

Cảnh báo nhiều nhưng người dân vẫn sập bẫy

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, Phòng đã có nhiều cảnh báo về các chiêu thức lừa đảo nhưng người dân vẫn bị sập bẫy. Theo đó, phần vì người dân mất cảnh giác, phần vì các đối tượng rất tinh vi cũng như có nhiều cách thức lừa đảo trên không gian mạng.

Muôn kiểu lừa đảo qua mạng khiến người dân sập bẫy - Ảnh 1.

Cơ quan công an làm việc với Thồng Vũ Minh.

Mới đây nhất, Công an huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã bắt giữ một đối tượng liên quan đến hành vi này. Theo đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an huyện Diễn Châu phát hiện tài khoản Facebook "sĩ T Trương" của Thồng Vũ Minh (SN 1996, trú tại phường 12, quận 8, TP Hồ Chí Minh) thường chạy quảng cáo và đăng tải các sản phẩm mua bán máy tính, điện thoại nghi vấn là tài khoản của đối tượng lừa đảo.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cơ quan công an xác định, Thồng Vũ Minh đã lập các tài khoản Facebook giả mạo rồi đăng những bài viết liên quan đến mua bán các mặt hàng máy tính, điện thoại với số lượng lớn. Khi có khách hàng muốn giao dịch, Minh yêu cầu chuyển tiền cọc vào các tài khoản đối tượng cung cấp, sau đó chiếm đoạt tiền, không gửi hàng cho các bị hại và chặn Facebook, Zalo, số điện thoại của nạn nhân.

Muôn kiểu lừa đảo qua mạng khiến người dân sập bẫy - Ảnh 2.

Tang vật vụ án.

Ngày 9/7, tại nhà riêng ở quận 8, thành phố Hồ Chí Minh, Công an huyện Diễn Châu bắt giữ thành công đối tượng Thồng Vũ Minh về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thu giữ 01 laptop, 3 điện thoại di động, 1 chứng minh thư giả, 2 thẻ ngân hàng và 25 triệu đồng tiền mặt.

Quá trình đấu tranh, bước đầu chứng minh, đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội của nhiều nạn nhân với số tiền chiếm đoạt là 170 triệu đồng. Riêng tại huyện Diễn Châu, với thủ đoạn như trên Thồng Vũ Minh cũng đã chiếm đoạt số tiền hơn 17 triệu đồng của một nạn nhân.

Muôn kiểu lừa đảo

Ngoài việc lừa đảo bán hàng thì kinh doanh đa cấp, giả danh chuyên gia chứng khoán, thông báo trúng thưởng, giả danh cơ quan pháp luật thông báo vi phạm... ngày càng tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.

Đặc biệt, hiện nay xuất hiện thêm thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, các đối tượng thành lập công ty bình phong, tuyển dụng nhân viên, giao cho họ nhiệm vụ gọi điện, mạo danh nhân viên của các ngân hàng, đưa ra thông tin gian dối về việc ngân hàng cho vay hạn mức từ 10 - 100 triệu đồng với lãi suất 0%.

Khách hàng chỉ phải đóng phí bảo hiểm tiền vay từ 1.700.000 đồng - 3.895.000 đồng, tùy vào số tiền vay. Sau khi khách hàng đồng ý và lựa chọn mức vay, sẽ cung cấp thông tin để làm hợp đồng vay tiền và các đối tượng sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để chuyển hợp đồng giả, thẻ ngân hàng giả cho nạn nhân, nhân viên chuyển phát nhanh sẽ thu hộ số tiền bảo hiểm tiền vay. Sau đó các đối tượng lừa đảo sẽ đến bưu cục chuyển phát nhanh lấy tiền bảo hiểm và chiếm đoạt. Tiếp đến, các đối tượng yêu cầu người vay chuyển tiền đến số tài khoản do chúng chỉ định để lấy mã PIN, lấy mã OTP... rồi chiếm đoạt.

Nạn nhân của nhóm đối tượng này thường là những người đã làm thủ tục vay tiền ở các ngân hàng hoặc là ở các ứng dụng cho vay trực tuyến (App) nhưng không được xét duyệt nên khi nhận được điện thoại tư vấn các gói cho vay đã nhanh chống đồng ý, cung cấp thông tin cá nhân để làm "hợp đồng vay tiền".

Bên cạnh đó còn xuất hiện thủ đoạn giả danh nhân viên tuyển dụng việc làm trên không gian mạng. Theo đó, các đối tượng xấu thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Telegram…) để tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử (Lazada, Shopee, Tiki, Sendo). Các đối tượng hướng dẫn cộng tác viên đặt và mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng, rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu hoa hồng.

Ban đầu, với các đơn hàng có giá trị nhỏ, cộng tác viên sẽ được hoàn tiền hàng và hoa hồng về tài khoản ngân hàng; cứ như vậy cho đến khi làm nhiệm vụ với những đơn hàng có giá trị cao. Lúc này, các đối tượng lừa đảo không gửi lại tiền hàng và tiền hoa hồng ngay mà lấy lý do bảo trì hệ thống hoặc các lý do khác để yêu cầu cộng tác viên tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp theo. Sau nhiều lần thực hiện, cộng tác viên mới nhận ra mình đã bị lừa đảo.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo, chiếm tài sản cơ quan công an khuyến cáo các tổ chức và người dân cần nâng cao cảnh giác trước âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này. Khi phát hiện vụ việc nhanh chóng cung cấp thông tin cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn.


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Muôn kiểu lừa đảo qua mạng khiến người dân sập bẫy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO