Nhiều bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng tránh dịch

25/05/2022 15:50

PLBĐ - Bên cạnh dịch COVID-19, nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác ở nước ta cũng đang diễn biến phức tạp. Trong đó, có bệnh mới nổi, tái nổi trên thế giới và trong nước khiến Bộ Y tế phải khẩn trương đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Dịch sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi siêu vi trùng Dengue. Đây là căn bệnh có thể lây truyền nếu như bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt. So với người lớn thì trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh hơn. Bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra quanh năm, nhưng phổ biến hơn cả là vào mùa mưa. 

Hiện nay, ở nhiều nơi trên cả nước có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao như: TP. HCM, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Bình Dương,... Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) sáng 24/5 cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP. HCM ghi nhận 8.481 ca trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 28% với cùng kỳ năm 2021 là 6.639 ca.

Trong tuần 20 (từ ngày 13/5 đến 19/5/20222), TP. HCM ghi nhận 943 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước. Trong đó số ca bệnh tăng chủ yếu là trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

Cũng trong tuần 20, đã có thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết tại huyện Củ Chi. Như vậy, số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay tại TP. HCM đã là 7 trường hợp.

Theo ý kiến của các chuyên gia dịch tễ, cứ 4-5 năm thì sốt xuất huyết Dengue lại bùng lên thành dịch 1 lần. Đợt dịch sốt xuất huyết lớn nhất tại TP. HCM gần đây là vào năm 2019 và có tới 65.000 ca nhiễm. Theo chu kỳ thì năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại gây ra trận dịch lớn.

Nhiều bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng tránh dịch - Ảnh 1.

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Bộ y tế cũng đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch. Hiện, sốt xuất huyết hiện chưa có vaccine phòng ngừa và cũng chưa có thuốc đặc trị nên các bác sĩ khuyên diệt lăng quăng, diệt muỗi thường xuyên. Cụ thể:

- Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,… 

- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi. 

- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng. 

-  Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.

- Khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục từ 2 đến 3 ngày, phụ huynh nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xem xét chỉ định xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue sớm nhất.

Bệnh tay chân miệng 

Theo Bộ Y tế, trên hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm từ đầu năm 2022 đến nay cho thấy cả nước đã ghi nhận 5.545 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, có 1 trường hợp tử vong tại Bình Thuận.

So với cùng kỳ năm 2021, số mắc giảm 83,3%, tử vong giảm 9 trường hợp. Tuy nhiên, số mắc có xu hướng gia tăng chủ yếu khu vực miền Nam và cục bộ tại một số tỉnh, thành phố như: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng.

Bộ Y tế nêu rõ bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm, lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 9-11 hằng năm.

Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên; việc giao lưu đi lại, thể thao, du lịch,... gia tăng trở lại sau khi đã kiểm soát dịch COVID-19 và hiện chưa có vaccine phòng bệnh.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Bộ Y tế đã đề nghị UBND tỉnh, thành chỉ đạo chính quyền các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trên địa bàn, tập trung vào các vùng có số mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch.

Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, xác minh, đánh giá, xử lý ổ dịch và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết.

Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân, lưu ý đối với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

Các địa phương chuẩn bị kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với ngành y tế để tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại các trường học, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng và các dịch bệnh trong trường học...

Những loại dịch bệnh nguy hiểm nào đang hoành hành ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. 

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. 

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. 

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. 

-  Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. 

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. 

Bệnh đậu mùa khỉ

Hiện nay, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ bệnh đậu mùa khỉ để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập. Theo đó, ngày 25/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố cả nước về việc tăng cường giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.

Văn bản của Bộ Y tế cho biết, bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên trên khỉ vào năm 1958, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Bệnh này có thể lây từ người sang người khi tiếp xúc gần gũi, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và qua tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm mầm bệnh như chăn, ga gối đệm.

Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Thời gian ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày (thường từ 6 đến 13 ngày). Bệnh đậu mùa khi có các biểu hiện triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to.

Những loại dịch bệnh nguy hiểm nào đang hoành hành ở Việt Nam? - Ảnh 2.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5/2022, tính đến 21/5/2022 trên thế giới đã ghi nhận 92 trường hợp mắc bệnh, 28 trường hợp nghi ngờ và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khi trước đây.

Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm virus đậu mùa khỉ chủng Tây Phi và có đặc điểm giống chủng virus lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019.

Văn bản của Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.

Để chủ động giám sát các ca bệnh đậu mùa khi và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan triển khai các nội dung, cụ thể: Chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ; tăng cường giám sát phát hiện trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn; phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh; chủ động truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế. 

T.H(th)

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng tránh dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO