Thông tin hàng triệu người lao động cần nắm rõ khi bị sa thải trái pháp luật

14/01/2024 14:46

Trường hợp bị doanh nghiệp xử lý kỷ luật lao động không đúng quy định, người lao động có thể tự đòi lại quyền lợi cho mình. Vậy để đòi lại quyền lợi, người lao động cần làm gì?


Bị sa thải trái pháp luật, người lao động cần làm gì?

Trường hợp bị doanh nghiệp xử lý kỷ luật lao động không đúng quy định, người lao động có thể tự đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình nhờ những cách sau:

Khiếu nại:

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 24/2018/NĐ-CP về trình tự thực hiện khiếu nại của người lao động bị sa thải trái pháp luật.

- Người lao động gửi khiếu nại lần đầu: Gửi khiếu nại tới người sử dụng lao động.

Nếu không được giải quyết hoặc việc giải quyết của người sử dụng lao động không thỏa đáng thì thực hiện khiếu nại lần hai.

- Người lao động gửi khiếu nại lần hai: Tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Nhờ hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động:

Ngoài ra, người lao động có thể thực hiện hòa giải với người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 188 và Điều 189 Bộ luật Lao động 2019.

Theo đó, tranh chấp về kỷ luật sa thải có thể sử dụng cách hòa giải để giải quyết tranh chấp.

Theo Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 và quy định tại Điều 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung bởi Điểm a, Khoản 2 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019), với tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải, người lao động có thể trực tiếp khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Tố giác tới cơ quan công an:

Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 32, Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà sa thải trái pháp luật đối với người lao động gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật được quy định với mức phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

Theo đó, trường hợp bị sa thải trái quy định pháp luật mà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống thì người lao động có thể tố giác tới cơ quan điều tra để xử lý hành vi vi phạm của người sử dụng lao động.

Thông tin hàng triệu người lao động cần nắm rõ khi bị sa thải trái pháp luật - Ảnh 2.

Trường hợp bị doanh nghiệp xử lý kỷ luật lao động không đúng quy định, người lao động có thể tự đòi lại quyền lợi chính đáng cho mình. Ảnh minh họa: TL

Bị sa thải trái luật, người lao động có được bồi thường không?

Đối với việc sa thải trái pháp luật được coi là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động.

Điều 41 Bộ luật Lao động 2019 quy định, doanh nghiệp buộc phải nhận lại người lao động, đồng thời phải bồi thường cho người lao động những khoản tiền sau:

- Trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc.

- Trả thêm ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động.

Nếu người lao động không muốn làm việc tại doanh nghiệp đó nữa thì ngoài 02 khoản tiền được bồi thường trên, người lao động còn được trả trợ cấp thôi việc.

Sa thải người lao động thông qua lời nói có phải là trái pháp luật?

Nếu người lao động thuộc một trong 11 trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật, người sử dụng lao động có quyền sa thải.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Lao động 2019, việc xử lý kỷ luật lao động nói chung cũng như kỷ luật sa thải đều phải đảm bảo thực hiện theo nguyên tắc, trình tự và thủ tục được quy định tại Điều này.

Việc xử lý kỷ luật sa thải người lao động phải đảm bảo sự có mặt của phía người lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và phải được lập thành biên bản, không được áp dụng nhiều hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với một hành vi vi phạm.

Ngoài ra, việc xử lý kỷ luật sa thải phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục tại Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP về kỷ luật lao động với các bước:

- Xác nhận hành vi vi phạm.

- Tổ chức họp xử lý kỷ luật lao động.

- Ban hành quyết định xử lý kỷ luật.

- Thông báo công khai quyết định xử lý kỷ luật.

Như vậy, người sử dụng lao động phải tiến hành các bước trên và ban hành quyết định sa thải gửi tới người lao động thì mới coi là sa thải đúng quy định.

Do đó, việc sa thải bằng miệng là trái pháp luật. Đây cũng là một trong những hành vi bị xử phạt hành chính tại Khoản 2, Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP:

Người sử dụng lao động có quyền sa thải người lao động khi người lao động đó vi phạm các trường hợp bị kỷ luật sa thải, đồng thời việc sa thải người lao động phải được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Nếu sa thải bằng miệng hay hình thức khác không đúng quy định pháp luật, người sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thông tin hàng triệu người lao động cần nắm rõ khi bị sa thải trái pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO