Ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn trữ đông trứng để bảo vệ khả năng sinh sản và có thời gian lo cho sự nghiệp nhiêu hơn.
Minh Anh là một cô gái xinh đẹp và thành công trong sự nghiệp tại một ngân hàng lớn ở Hà Nội. Tuy nhiên, do công việc bận rộn và chưa tìm được người bạn đời phù hợp, Minh Anh quyết định chưa lập gia đình. Ở tuổi 30, cô bắt đầu lo lắng về khả năng sinh sản của mình trong tương lai. Sau khi tìm hiểu về các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản, Minh Anh quyết định trữ đông trứng để bảo đảm cơ hội làm mẹ sau này.
"Quyết định này giúp mình an tâm hơn về tương lai. Mình có thể tiếp tục theo đuổi sự nghiệp mà không bị áp lực về thời gian. Đối với mình, đây là một sự đầu tư xứng đáng cho hạnh phúc sau này", Minh Anh chia sẻ.
Sau khi trữ đông trứng tại một bệnh viện lớn, Minh Anh cảm thấy thoải mái hơn trong cuộc sống hàng ngày.
Quỳnh Chi 27 tuổi, một nữ doanh nhân trẻ năng động, gây dựng thành công một start-up trong lĩnh vực công nghệ chỉ sau vài năm ra trường. Đối với Quỳnh Chi, sự nghiệp là ưu tiên hàng đầu, cô chưa có ý định lập gia đình sớm. Khi nghe bạn bè nói về trữ đông trứng, cô tìm hiểu và được biết càng nhiều tuổi, khả năng sinh con càng khó nên quyết định gửi trữ đông trứng, sau này, nếu có đối tác thì kết hôn và hỗ trợ sinh sản để có con.
Quỳnh Chi cho biết, muốn có sự lựa chọn cho tương lai mà không bị giới hạn bởi những yếu tố sinh học. Trữ đông trứng là cách để mình chủ động trong việc lập kế hoạch gia đình và duy trì sự nghiệp. Không chỉ Chi mà nhiều bạn bè của cô đã thực hiện trữ đông trứng tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản để bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai.
Theo TS.BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trào lưu trữ đông trứng đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt là trong giới trẻ. Phương pháp này giúp phụ nữ bảo tồn khả năng sinh sản và cho phép họ sinh con khi đã ổn định sự nghiệp hoặc sẵn sàng về mặt tâm lý. Trứng được trữ đông ở tuổi trẻ có chất lượng tốt hơn, giảm nguy cơ sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh khi thụ thai sau này.
Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, trong vòng 5 năm qua, số ca trữ đông trứng tăng đáng kể, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Mỗi năm có hàng ngàn phụ nữ lựa chọn phương pháp này. Nhu cầu tăng cao không chỉ từ phụ nữ độc thân mà còn từ những người đã lập gia đình, nhằm bảo toàn khả năng sinh sản trong tương lai.
Bác sĩ Thành thông tin, các trường hợp đến để trữ trứng thường thuộc hai nhóm chính: nhóm vì lý do y tế (như bảo tồn khả năng sinh sản trước khi điều trị ung thư) và nhóm vì lý do xã hội (chưa muốn kết hôn hoặc không có ý định kết hôn).
Trong những năm gần đây, số lượng bệnh nhân đến vì các vấn đề xã hội như chưa muốn kết hôn hoặc không có ý định kết hôn tăng lên đáng kể. Xu hướng này phản ánh sự thay đổi trong độ tuổi kết hôn và xu hướng phụ nữ hiện đại chọn kết hôn muộn.
Theo Tổng cục Thống kê, độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Việt Nam hiện nay là khoảng 27-28 tuổi, so với mức 23-24 tuổi vào những thập kỷ trước. Sự thay đổi này được giải thích bởi sự gia tăng của nhóm phụ nữ theo đuổi sự nghiệp, học hành cao và mong muốn ổn định kinh tế trước khi bước vào hôn nhân. Bên cạnh đó, xu hướng này còn phản ánh ý thức cao hơn về sức khỏe sinh sản và mong muốn có con ở độ tuổi thích hợp.
Một vấn đề đáng báo động là tình trạng suy buồng trứng sớm ở phụ nữ trẻ. Theo vị bác sĩ, suy buồng trứng không rõ nguyên nhân đang gia tăng ở nhóm phụ nữ dưới 30 tuổi. Trên 35 tuổi, suy buồng trứng và giảm dự trữ trứng là tình trạng tự nhiên, nhưng dưới 35 tuổi, thậm chí dưới 30 tuổi, là dấu hiệu đáng lo ngại. Các yếu tố như ô nhiễm môi trường, hóa chất, thuốc trừ sâu, và áp lực công việc có thể góp phần vào tình trạng này.
Trữ đông trứng là một giải pháp tiên tiến nhưng chi phí cho việc này không hề nhỏ. Chi phí bao gồm thu thập trứng, lưu trữ, và thụ tinh trong ống nghiệm, có thể trở thành gánh nặng tài chính cho nhiều phụ nữ. Hơn nữa, không phải tất cả các trứng sau khi trữ đông đều đảm bảo khả năng thụ tinh và phát triển thành phôi thai. Hiệu quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, chất lượng trứng ban đầu và kỹ thuật y tế. Quá trình thu thập trứng cũng có thể gặp rủi ro như kích thích buồng trứng quá mức, nhiễm trùng, hoặc tác dụng phụ từ các thuốc kích thích buồng trứng.